Theo báo Asahi, một học sinh lớp 11 tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tháng 4 năm ngoái và hồi phục cho biết hiện giờ, mỗi lần đứng dậy, cô bé đều cảm thấy nhịp tim đập nhanh hơn và khiến cô gần như khuỵu ngã.
Thiếu niên 16 tuổi này luôn cảm thấy mệt mỏi sau các hoạt động thể chất. Tình trạng nghiêm trọng đến mức cô bé thường không thể rời khỏi giường. Một năm đã trôi qua kể từ khi mắc COVID-19, cô bé nhận ra mình không thể phục hồi.
Khi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc COVID-19, học sinh đó chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nhưng khoảng hai tuần sau, em bắt đầu cảm thấy kiệt sức và đau đầu.
Các triệu chứng diễn ra vào khoảng thời gian cô bé bắt đầu đi học trở lại. Lúc đó, cô chỉ có đủ sức để lên lớp một vài môn. Đến khám tại Bệnh viện Đại học St. Marianna ở Kawasaka, các bác sĩ cho biết thiếu niên 16 tuổi đang mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu do mất cân bằng trong hệ thống dây thần kinh tự chủ.
Điều này khiến cô bé không thể tiếp tục các hoạt động trong câu lạc bộ thể thao của trường. Cô buộc phải từ bỏ giấc mơ được nhận vào trường đại học theo giấy giới thiệu thể thao, và chuyển đến một trường trung học liên thông vào tháng 4 năm nay.
Cô bé là một trong nhiều bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài sau khi khỏi bệnh. Nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tiếp tục làm việc hoặc học tập.
Một nhà thầu xây dựng 44 tuổi tại tỉnh Kyoto nhiễm virus vào tháng 8 năm ngoái đã phải nhập viện điều trị trong 2 tuần. Sau khi khỏi, anh vẫn gặp các triệu chứng hậu COVID-19. Trong suốt 3-4 tháng sau đó, người đàn ông này luôn cảm thấy cạn kiệt sức lực và bị khó thở. Việc tập trung vào công việc trở nên khó khăn khi đầu óc của anh chỉ quẩn quanh những vấn đề không liên quan.
“Các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài hơn tôi tưởng. Ảnh hưởng từ virus SARS-CoV-2 không nên bị xem thường”, người đàn ông cho biết.
Bác sĩ Koichi Hirahata, Giám đốc bệnh viện Hirahata ở phường Shibuya tại Tokyo, chỉ ra ngày càng nhiều thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, bắt đầu tìm đến bệnh viện sau sự bùng phát của biến thể Omicron hồi tháng 1 năm nay.
Bệnh viện Hirahata đã mở một khu riêng cho bệnh nhân ngoại trú với hội chứng COVID-19 kéo dài cách đây hai năm. Từ đó đến nay, khu khám bệnh đã tiếp nhận khoảng 4.000 người.
Theo bác sĩ Hirahata, nhiều bệnh nhân phải "nghỉ hơn nửa tuần vì các triệu chứng nghiêm trọng". Phần lớn trong số đó là những người trẻ tuổi, trong độ tuổi 20 và 30.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa hội chứng COVID-19 kéo dài là “tình trạng xảy ra ở người có tiền sử mắc nhiễm virus SARS-COV2, xuất hiện 3 tháng sau khi khởi phát COVID-19 với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán.
Theo bác sĩ Hirahata, 67% bệnh nhân mà ông tiếp nhận từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2022 cho biết hội chứng COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của họ. Có tới 41% đã xin nghỉ phép và 7% phải nghỉ việc.
Kết quả khảo sát do thành phố Kobe thực hiện cho thấy rất nhiều bệnh nhân mắc COVID kéo dài gặp khó khăn trong việc khiến những người xung quanh hiểu được tình trạng sức khỏe của họ tại nơi làm việc, khiến họ phải tự mình giải quyết các vấn đề. Trong tổng số 1.608 người tham gia, 771 người cho biết họ gặp các triệu chứng hậu COVID-19. Gần 20% nói họ còn triệu chứng ho.