Đây là kết quả nghiên cứu được các bác sĩ thuộc Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật tại Bắc Kinh (Trung Quốc) tiến hành, vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành The Lancet Respiratory Medicine.
Nghiên cứu khẳng định khả năng phục hồi hoàn toàn đối với những người trải qua làn sóng lây nhiễm đầu tiên dịch COVID-19 vẫn khó nắm bắt. Điều này có nghĩa các bệnh nhân có sức khỏe yếu hơn cần được quan tâm nhiều hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy những khó khăn trong việc đối phó với hậu quả của COVID-19 trong bối cảnh hàng triệu người, trong đó có trẻ em và thanh, thiếu niên, phải vật lộn với các triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng từ sức khỏe tâm thần đến khả năng làm việc và đóng góp đối với nền kinh tế.
Để đưa ra được kết luận trên, các nhà khoa học đã theo dõi 1.192 bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị tại bệnh viện Jin Yin-tan ở Vũ Hán hồi đầu năm 2020, kiểm tra sức khỏe vào các mốc 6 tháng, 12 tháng và 2 năm sau khi xuất hiện triệu chứng. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 57 và trong đó có hơn 50% là nam giới.
Trong nghiên cứu, những người tham gia phải trải qua đánh giá khả năng đi bộ 6 phút, các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm và trả lời bảng câu hỏi về các triệu chứng, sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống. Một số người cũng được kiểm tra chức năng phổi và chụp ảnh lồng ngực mỗi lần khám.
Kết quả cho thấy thời gian cũng giúp giảm tổn thương phần nào. Sau 6 tháng, 68% số người tham gia nghiên cứu thông báo gặp ít nhất một triệu chứng của hội chứng COVID kéo dài. Sau 2 năm, con số này giảm xuống còn 55%. Các nhà khoa học dự định sẽ tiếp tục theo dõi các bệnh nhân mỗi năm một lần.
Các nhà khoa học khẳng định kết quả nghiên cứu đã nêu bật tầm quan trọng của việc nghiên cứu cơ chế phát triển hội chứng COVID kéo dài cũng như thúc đẩy việc tìm ra phương pháp điều trị nhắm mục tiêu để quản lý hoặc giảm bớt tình trạng bệnh.