An toàn của trẻ là ưu tiên bắt buộc, hàng đầu khi tiêm chủng

Khảo sát nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, vẫn còn khoảng hơn 30% phụ huynh trên địa bàn không đồng ý cho con, em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 vì những lý do mang tính cảm nhận chủ quan như lo vaccine gia hạn hay tác dụng phụ khi tiêm...

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xã Tản Lĩnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trường Tiểu học Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh minh họa: Tuấn Đức/TTXVN

Ngày 16/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục khảo sát nhanh đợt 2 về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi của 2.792 phụ huynh đang có con, em theo học tại các trường thuộc 22 quận, huyện trên địa bàn Thành phố; trong đó có 2.123 phụ huynh có con, em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi (76%) và 699 phụ huynh có con, em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi (24%).

Kết quả khảo sát cho thấy, đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, có 701 trẻ chưa tiêm vaccine (chiếm 33%), 723 trẻ tiêm 1 mũi (chiếm 34%), 699 trẻ tiêm 2 mũi (chiếm 33%). Như vậy, tương ứng trong độ tuổi này có 1/3 trẻ chưa tiêm, 1/3 trẻ đã tiêm mũi 1 và 1/3 trẻ đã tiêm mũi 2. Đối với nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, có 15 trẻ chưa tiêm vaccine (chiếm 2%), 29 trẻ tiêm đã tiêm 1 mũi (chiếm 4%), 326 trẻ đã tiêm 2 mũi (chiếm 49%), và 299 trẻ tiêm mũi 3 (chiếm 45%).

Phân tích các lý do học sinh trong độ tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa được tiêm chủng cho thấy, lý do phổ biến qua khảo sát là trẻ đang mắc các bệnh cấp tính (21%), trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên không có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh (19%), trẻ đã mắc COVID-19 trước đó (16%). Tuy nhiên, còn hai lý do thuộc về cảm nhận chủ quan của phụ huynh đó là lo vaccine gia hạn (19%) và sợ trẻ bị tác dụng phụ của vaccine (13%).

Trước thực tế này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin thêm, những phản ứng phụ khi tiêm vaccine có thể xảy ra và hầu hết là triệu chứng nhẹ. Quan trọng hơn, ngành Y tế cùng với nhà trường luôn chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng phát hiện và xử trí kịp thời. Đến nay đã có hơn 165.000 lượt tiêm cho trẻ em trên địa bàn Thành phố đều đảm bảo an toàn khi tiêm.

Liên quan đến hạn sử dụng vaccine, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, vaccine phòng COVID-19 không có hạn sử dụng cố định. Do vaccine được sử dụng khẩn cấp nên nhà sản xuất sẽ lựa chọn hạn dùng mà trong khoảng thời gian nghiên cứu đó họ có dữ liệu là vaccine vẫn giữ được tính ổn định trong điều kiện bảo quản đúng theo hướng dẫn. Khi có thêm thời gian và dữ liệu về tính ổn định của vaccine, nhà sản xuất sẽ trình các cấp có thẩm quyền để được phép gia hạn sử dụng. Điều này giúp tránh phải tiêu hủy các lọ vaccine trong khi chất lượng vẫn được duy trì ổn định. Những lô vaccine khi được phép gia hạn sử dụng đã được thẩm định vẫn đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới.

“Các bậc phụ huynh hãy an tâm về chất lượng của vaccine, về sự an toàn cho trẻ khi tiêm chủng vì đây là những tiêu chí bắt buộc, ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm của ngành Y tế”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Đinh Hằng (TTXVN)
Đà Nẵng: Không có văn bản bắt học sinh phải tiêm vaccine phòng COVID-19 mới được nhập học
Đà Nẵng: Không có văn bản bắt học sinh phải tiêm vaccine phòng COVID-19 mới được nhập học

Trước một số thông tin về việc thành phố Đà Nẵng bắt học sinh phải tiêm vaccine COVID-19 mới được nhập học, ngày 17/8, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo UBND thành phố khẳng định không có chủ trương, văn bản quy định về việc học sinh tiêm vaccine phòng COVID-19 để được nhập học và tham gia bán trú tại trường học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN