Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Để phát huy những thành tích đã đạt được, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm học 2022 - 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh tập trung chuẩn bị thật tốt các điều kiện để vừa triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học mới, vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tỉnh về công tác giáo dục - đào tạo. Trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Toàn ngành rà soát, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; cơ cấu lại đội ngũ giáo viên một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí; đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả; tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học tiên tiến, hiện đại thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương trong toàn tỉnh dành nguồn lực, chuẩn bị chu đáo và có giải pháp dạy học phù hợp cho năm học mới, tuyệt đối không chủ quan, lơ là mất cảnh giác, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ tâm lý trẻ em trong tình hình dịch, đưa hướng dẫn cách chống dịch vào nhà trường cho phù hợp...
Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, năm học 2021 - 2022 là một năm học “đặc biệt khó khăn”. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và tạo nhiều sự thay đổi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn đến việc học của học sinh ở tất cả các cấp học. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã linh hoạt, chủ động chuyển trạng thái để thích ứng tình hình mới và thực hiện mục tiêu kép: Vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm học đề ra.
Với phương châm “Tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học”, ngành Giáo dục và Đào tạo An Giang đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện tốt các giải pháp huy động học sinh tham gia học trực tuyến để duy trì học sinh đi học đúng độ tuổi và linh hoạt điều chỉnh phương án dạy học theo tình hình thực tế tại địa phương.
Kết thúc năm học, chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông của tỉnh An Giang đạt 98,9%. Điểm trung bình các môn thi xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.