Yên Bái đối thoại với người dân về hoạt động thăm dò khoáng sản

Ngày 11/9, tại huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. Đây là hoạt động thường kỳ của UBND tỉnh Yên Bái tiếp và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Chú thích ảnh
Đại diện người dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi đối thoại.

Nội dung của buổi đối thoại liên quan đến các chủ trương, chính sách pháp luật và các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Với tinh thần dân chủ, cởi mở, thắng thắn và cầu thị, lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các sở, ban ngành liên quan đã trực tiếp trao đổi, đối thoại và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cùng những ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Theo đó, đã có 11 ý kiến, kiến nghị của nhân dân xã Lâm Thượng xung quanh vấn đề liên quan đến trách nhiệm công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, tại thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng. Đại diện nhân dân xã Lâm Thượng cũng đề nghị tỉnh Yên Bái và huyện Lục Yên cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tuyến đường Mai Sơn - Lâm Thượng đã xuống cấp nghiêm trọng và các công trình phúc lợi khác.

Về việc cấp phép thăm dò khoáng sản cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết: Việc cấp phép thăm dò tại khu vực mỏ đá vôi trắng thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồng ý bổ sung vào danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò mỏ đá vôi trắng tại thôn Nà Kèn và điều kiện cấp phép theo quy định của pháp luật về khoảng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép thăm dò số 248/GP-BTNMT, ngày 29/01/2016 cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam để thăm dò diện tích 101,1 ha với thời gian thăm dò 48 tháng. Theo đó, việc cho phép thăm dò, khai thác đá vôi trắng cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên nói chung và Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam nói riêng để làm cơ sở xem xét, cấp phép khai thác là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đúng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đá vôi trắng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Ông Lại Hồng Thanh cũng cho rằng: Trong phát triển ngành công nghiệp khai khoáng cần phải phát huy và khai thác tiềm năng khoáng sản để trở thành nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và những đóng góp từ khai thác khoáng sản, từ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất và các loại phí khác… góp phần đáng kể vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, việc thăm dò, khai thác khoáng sản cần đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trong quá trình thăm dò, khai thác, doanh nghiệp phải đảm bảo việc phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường một cách bền vững và có báo cáo đánh giá tác động môi trường để đưa ra phương án, giải pháp đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nếu không sẽ buộc phải đóng cửa mỏ để cải tạo môi trường...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long cảm ơn những ý kiến đóng góp cởi mở, thẳn thắng mang tính chất xây dựng thông qua hội nghị đối thoại và khẳng định: Với quan điểm, chủ trương của tỉnh là quan tâm, chăm lo đến nguyện vọng chính đáng đời sống nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện ủng hộ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh song phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Ông Tạ Văn Long cũng khẳng định, sau khi Công ty R.K thăm dò đủ điều kiện khai thác khoáng sản thì các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, giám sát, hạn chế mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến người dân. Nếu sau này, quá trình thai thác ảnh hưởng đến các tuyến đường thì sẽ yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ cùng vốn ngân sách để đầu tư, xây dựng lại. Sau khi hoàn thành thăm dò đi vào khai thác, nếu ảnh hưởng đến người dân, Công ty sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc bồi thường. Việc hưởng lợi của người dân từ việc thăm dò, khai thác, doanh nghiệp cam kết sẽ tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và việc khai thác đã có hiệu quả, công ty cam kết sẽ đóng góp và ưu tiên xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. 

Về vấn đề xây dựng hạ tầng giao thông tuyến đường Mai Sơn - Lâm Thượng, ông Tạ Văn Long cho biết: Tuyến đường này đã có trong kế hoạch sửa chữa. Các tuyến đường giao thông nông thôn, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt cho huyện Lục Yên cân đối các nguồn vốn theo lộ trình để sửa chữa, đầu tư trong quá trình xây dựng Nông thôn mới. Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát các nguồn lực để tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin, ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Hít phải khí độc, trên 50 công nhân ở Yên Bái nhập viện
Hít phải khí độc, trên 50 công nhân ở Yên Bái nhập viện

Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, tức ngực khó thở và co bì chân tay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN