Bà Hoàng Thị Hạnh ở thôn Hợp Thịnh cho biết, việc cột điện bị sạt, trượt từ trên taluy xuống xuất hiện từ năm 2022, các gia đình đã phản ánh lên ngành điện lực và chính quyền xã nhưng vẫn chưa được xử lý. Hiện, khu vực taluy trên xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đỗ Quang Đông, Giám đốc Điện lực thành phố Yên Bái cho biết, đơn vị xác định cột điện số 36, địa điểm đặt tại thôn Hợp Thịnh, phân đoạn ĐZ 35kV 371E12.1, cung cấp điện từ sau cầu dao phân đoạn 29-1 Văn Tiến bị trượt, tụt cùng taluy vào tháng 10/2022.
Tại thời điểm đó, chính quyền địa phương cùng ngành điện lực đã đến kiểm tra hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân. Theo đó, xác định do việc san hạ taluy, đánh đất lấy mặt bằng của một số hộ dân tại khu vực giáp chân cột điện gây ra.
Ngành điện lực, UBND xã Phú Thịnh và chủ đất đã có biên bản thống nhất về việc khắc phục hậu quả do việc sạt lở này. Trong đó phân định rõ, phía điện lực sẽ lập phương án xử lý, dự toán chi phí và nhân công. Các hộ dân đánh đất gây ảnh hưởng đến an toàn của cột điện phải chịu chi phí về giải phóng mặt bằng, vật tư xây dựng và máy thi công.
Theo ông Đông, đơn vị đã lên phương án di dời, dự toán kinh phí. Tuy nhiên, phía các gia đình đánh đất gây ra sạt lở chưa giải phóng được mặt bằng và chưa đồng ý với dự toán kinh phí đơn vị đưa ra, dẫn đến việc di dời vẫn chưa được thực hiện.
Hiện để cung cấp điện và đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong khu vực, Công ty Điện lực thành phố Yên Bái đã phải tách lèo để cắt điện tại vị trí cột từ số 33 đến 48, sau cầu dao phân đoạn 29-1 Văn Tiến.
Ông Đào Bá Hiệp, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, địa phương cũng nhiều lần yêu cầu phía Công ty Điện lực thành phố Yên Bái và các hộ gia đình cần thống nhất về hạch toán kinh phí để sớm tiến hành khắc phục hậu quả việc sạt lở. Tuy nhiên, đến nay các gia đình vẫn chưa đồng thuận theo hoạch toán kinh phí do phía điện lực đưa ra.
Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động các hộ dân để sớm đi đến thống nhất các phương án nhằm sớm giải phóng mặt bằng khu vực sạt lở, xây dựng cốt nền để đặt cột điện tại khu vực an toàn.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động di dời đối với các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp san gạt đất lấy mặt bằng tại các điểm có taluy cao.