Ý kiến luật sư xung quanh việc nghệ sỹ Hoài Linh chậm chuyển tiền từ thiện

Nghệ sỹ Hoài Linh đã nhận hơn 13 tỷ đồng cứu trợ miền Trung, nhưng để 6 tháng chưa chuyển tiền cho bà con, khiến dư luận đặt câu hỏi hành động này có vi phạm pháp luật?

Chú thích ảnh
Đồng bào miền Trung mong chờ tiền hàng quà cứu trợ từng ngày, từng phút. Ảnh: Mạng xã hội.

Trước đó, Hoài Linh đứng ra kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung lúc nguy khó, việc thực hiện chậm trễ song lại không có thông báo cụ thể cho “mạnh thường quân” khiến cư dân mạng không hài lòng. “Nếu việc chuyển tiền không kịp thời, gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung, nghệ sỹ Hoài Linh sẽ phải chịu bồi thường theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết. 

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, đây là quan hệ dân sự về việc thực hiện công việc theo nội dung ủy quyền tặng cho tài sản. Người tặng cho là người có tiền, tài sản và người được tặng cho là đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn vì thiên tai. Việc ủy quyền tặng cho tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 138, Điều 562 và Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015. 

"Nghệ sỹ Hoài Linh đã đồng ý nhận ủy quyền của những người khác để nhận tiền, chuyển giao số tiền đó cho đồng bào lũ lụt miền Trung là nhận thực hiện nghĩa vụ dân sự; cần có trách nhiệm thông báo cho đồng bào lũ lụt miền Trung, người được tặng cho số tiền đó về số tiền tặng cho, thời gian, phương thức tặng cho (từ thiện)... Dù nghệ sỹ có kéo dài thời hạn bàn giao số tiền đó thì số tiền lãi phát sinh cũng thuộc về đồng bào miền Trung chứ không phải là tiền của nghệ sĩ Hoài Linh", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Giới luật sư cho rằng: Nghệ sĩ Hoài Linh có trách nhiệm phải chuyển giao toàn bộ số tiền gốc và lại cho đồng bào miền Trung trong thời hạn sớm nhất có thể. Ngoài ra nếu việc thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền không kịp thời, gây thiệt hại cho đồng bào miền Trung, nghệ sĩ Hoài Linh còn phải chịu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Mới đây, nghệ sĩ Hoài Linh đã trần tình về sự chậm trễ trong việc chuyển tiền từ thiện này là do nghệ sĩ bận và do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, dư luận không đồng tình bởi lý do không thuyết phục, trong khi bà con miền Trung khổ sở vì thiệt hại khủng khiếp trong cơn bão lũ, sạt lở đất năm 2020. 
Theo quy định pháp luật Việt Nam, trong những trường hợp ủy quyền thực hiện hoạt động từ thiện phát hiện có việc gian dối để chiếm đoạt số tiền từ thiện từ 4 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng số tiền từ thiện sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì người nhận ủy quyền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm (BLHS) 2015.

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh), nghệ sĩ Hoài Linh có dấu hiệu vi phạm vào quy định tại Điều 7 của Nghị định 64/2008. Cụ thể: Việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, quy định thời gian phân phối tiền hàng cứu trợ không quá 20 ngày. "Hành vi của Hoài Linh nếu không bị điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008 thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Nếu Hoài Linh giữ số tiền này vì mục đích tư lợi cá nhân để chiếm đoạt thì thậm chí còn có dấu hiệu hình sự của hành vi lạm dụng tin nhiệm đoạt tài sản”, luật sư Trần Minh Hùng nhận định. Để làm rõ vấn đề tnày, cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích, hành vi của Hoài Linh để có căn cứ xử lý nghệ sĩ này theo quy định.

Đề cập tới vụ việc "lùm xùm" này, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện chưa có quy định "cứng" về thời gian phải phân phối số tiền, đây là vấn đề thỏa thuận giữa người tiếp nhận và bên ủng hộ tiền. Bên tiếp nhận phải thông tin đến người ủng hộ về thời gian phân phối số tiền hoặc hiện vật, thống nhất việc phân phối như thế nào. Sau 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, 2 năm đều hai bên phải thỏa thuận với nhau về thời gian phân phối.

Cá nhân có trách nhiệm công khai, báo cáo số tiền huy động với cơ quan chức năng. Đât cũng là quy định sắp tới được Bộ Tài chính cụ thể hóa bằng Nghị định. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu. Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện để Chính phủ ban hành Nghị định về vận động, tiếp nhận và phân phối, sử dụng tiền ủng hộ thiên tai, dịch bệnh và người có bệnh hiểm nghèo. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện.
Minh Phương/Báo Tin tức
Cảnh báo thủ đoạn tạo lập Fanpage kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt tiền của người dân
Cảnh báo thủ đoạn tạo lập Fanpage kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt tiền của người dân

Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN