Còn hơn 1 tháng nữa là tới kỳ kiểm tra tiếng Hàn dành cho lao động Việt Nam muốn đi Hàn Quốc làm việc. Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN)- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đặc biệt lưu ý: Người lao động cần cảnh giác, tránh mất tiền oan cho kẻ xấu; đồng thời, để tạo uy tín với thị trường Hàn Quốc, họ không được cư trú và làm việc bất hợp pháp khi đã hết hạn hợp đồng.
Chương trình đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc (Chương trình EPS) do hai chính phủ triển khai, chi phí thấp và không qua bất kỳ tổ chức lợi nhuận nào nên không ai có thể can thiệp. Nhưng chính vì thiếu thông tin, cộng với tâm lý nôn nóng nên nhiều lao động đã mất tiền oan cho "cò mồi".
Trên 50.000 người sẽ dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn
Kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 dành cho lao động Việt Nam muốn đi Hàn Quốc làm việc sẽ được tổ chức trong hai ngày 17 và 18/12. Những lao động có nhu cầu sẽ bắt đầu được đăng ký dự thi từ ngày 11 - 14/11/2011.
Hướng dẫn sử dụng bảo hộ lao động cho công nhân Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. |
Đây là tin vui đối với nhiều người đang trông chờ được đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Vì kỳ kiểm tra tiếng Hàn dự định tổ chức cuối tháng 8/2011 bị hoãn nên số lao động dự thi lần này sẽ rất đông. Theo thông tin ban đầu từ các địa phương, kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 này dự kiến có khoảng trên 50.000 người tham gia.
Quy trình tuyển dụng lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS được thực hiện hết sức chặt chẽ. Theo ông Jung Jin Young, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam, đề thi được “xách tay” từ Hàn Quốc sang và trong quá trình thi được bảo mật tuyệt đối. Bài thi của người lao động được mang về Hàn Quốc chấm, cũng theo phương thức bảo mật cao này. Sau đó, nếu đỗ, hồ sơ của người lao động được đưa lên mạng và gửi về cho giới doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn.
Kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần này chuẩn bị cho đợt tuyển dụng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2012. Hàn Quốc dành 15.000 chỉ tiêu tuyển dụng trong năm 2012 cho Việt Nam (ngành sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp). Có hàng ngàn lao động hiện đã có chứng chỉ tiếng Hàn cộng với hàng chục ngàn lao động sẽ tham gia kiểm tra tiếng Hàn trong tháng tới trong khi chỉ tiêu được đi trong năm 2012 cố định với 15.000 người nên sự cạnh tranh sẽ “căng” hơn so với những năm trước. Đây chính là cái cớ để bọn "cò mồi" vin vào rồi tìm cách “giở mánh” với người lao động.
Cẩn thận với chiêu “móc túi” của cò mồi
Từ năm 2006 đến hết tháng 8/2011, Việt Nam đã đưa được 63.270 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Vì là thị trường có thu nhập cao (900 - 1.100 USD/tháng) nên rất đông lao động muốn sang Hàn Quốc. Đây chính là cơ hội để bọn “cò mồi” lợi dụng.
Công nhân Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: CTV |
Theo ông Phan Văn Minh- Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị phối hợp tổ chức kỳ kiểm tra, nếu đi theo chương trình EPS thì người lao động mất chi phí rất thấp, chưa tới 1.000 USD, trong đó đã bao gồm lệ phí thi tiếng Hàn là 24 USD. Nhưng theo phản ánh của nhiều cơ quan báo chí, thời gian qua, không ít lao động đã phải bỏ tới 5.000 - 7.000 USD để được sang Hàn Quốc làm việc. Về việc này, ông Minh khẳng định toàn bộ những trường hợp mất nhiều tiền như vậy đều là người lao động đã bị lừa đảo.
Sở dĩ người lao động dễ dàng mất tiền cho bọn “cò mồi” vì họ không nắm rõ nguyên tắc về chương trình kiểm tra tiếng Hàn cũng như quy trình gửi hồ sơ sang ứng tuyển các vị trí làm việc cho giới chủ sử dụng lao động bên Hàn Quốc lựa chọn. Thiếu thông tin, cộng với sự nhẹ dạ chính là điểm yếu của người lao động bị bọn "cò mồi" lợi dụng. Thủ đoạn của chúng thông thường là ăn cắp thông tin cá nhân của người lao động rồi liên lạc với họ ra điều kiện: phải bỏ ra vài ngàn USD thì mới chắc chắn được đi. Vừa lo lắng, vừa nôn nóng muốn “được việc” nên rất nhiều người đã không ngần ngại đưa tiền cho kẻ xấu.
“Thực tế, những kẻ "cò mồi" hoàn toàn không giúp được gì cho người lao động. Trong tất cả các quy trình, từ kiểm tra tiếng Hàn cho đến làm hồ sơ, rồi quyết định tiếp nhận của chủ sử dụng lao động đều rất chặt chẽ nên rất khó để tham gia vào quy trình này”- ông Phan Văn Minh quả quyết. Ông Jung Jin Young cũng khẳng định: “Chắc chắn không ai có thể xen vào được khâu nào trong toàn bộ quy trình”.
Do đó, nếu người lao động được chọn đi thì chỉ là do họ đã đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng chứ không phải nhờ bọn "cò mồi". Nhiều năm qua, tỷ lệ hồ sơ của lao động Việt Nam gửi sang Hàn Quốc được nhận rất cao (khoảng 80- 85%) nên nhiều người lao động đã mất tiền oan cho bọn “cò mồi”.
Trước kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm nay, một lần nữa, lãnh đạo Cục QLLĐNN khẳng định: Chương trình đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc là chương trình do hai chính phủ triển khai, không qua bất kỳ tổ chức lợi nhuận nào và quy trình rất chặt chẽ nên không một cá nhân nào có thể can thiệp để thay đổi kết quả thi cũng như kết quả hồ sơ được tuyển dụng. Vì thế, người lao động phải hết sức cảnh giác trước nhiều chiêu bài “móc túi” của giới “cò mồi”.