Đã lâu lắm rồi, sau nhiều ngày “trông trời, trông đất, trông mây” chúng tôi cũng có được một ngày trời quang mây tạnh để lên đường tới thăm Điểm cao 820, (điểm cao nhất trên đường biên giới tỉnh Lạng Sơn); nơi mà các chiến sĩ biên phòng Đồn Pò Mã (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) luôn ăn, ngủ, tuần tra canh gác biên cương của Tổ quốc cùng mây mù và giá lạnh.
Chỉ cách thành phố Lạng Sơn gần 100 km vậy mà chúng tôi phải băng đèo, cắt mây mất hơn ba tiếng đồng hồ mới tới được điểm cao, trong cái bồng bềnh của mây mù, cái ào ào giá lạnh của vùng đất biên cương. Vừa mở cửa xe, một chiến sĩ biên phòng đã vội cầm mũ, áo che chắn cho chúng tôi rồi kéo vào phòng đóng sập cửa lại. Chưa kịp run vì lạnh thì được các chiến sĩ giải thích: Trên này lạnh lắm, các anh chị chưa quen chắc không chịu nổi đâu. Quả thật cái khắc nghiệt của thời tiết trên này đã khiến các anh nhóm bếp củi gần bốn tiếng đồng hồ mới đặt được ấm nước pha trà tiếp khách; quần áo giặt xong cả tuần không khô…
Cột mốc cao nhất tuyến biên giới
Sau một tuần trà nóng hổi, Đại úy Nguyễn Văn Sơn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Mã, trực tiếp phụ trách điểm cao chia sẻ: “Năm nay là năm thứ hai mình đón xuân trên điểm cao 820 này, nhường ngày phép cho chiến sĩ trẻ chưa có gia đình về nhà xum vầy vui Tết, biết đâu ra giêng các chú ấy lại có tin vui”. Không chỉ có Đại úy Sơn mà còn rất nhiều chiến sĩ nữa, với các anh, được đón Tết cùng đồng bào biên giới và canh gác biên cương bờ cõi của Tổ quốc là niềm thiêng liêng, hạnh phúc nhất; có những chiến sĩ đã năm năm liền xung phong trực Tết để nhường cho các chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn được về với gia đình.
Các chiến sĩ Biên phòng Đồn Biên phòng Pò Mã, huyện Tràng Định - Lạng Sơn tuần tra biên giới trên điểm cao 820. |
Giữa mây mù bao phủ, gió rét giật từng hồi, chúng tôi được các anh cho đi tuần tra biên giới và thăm cột mốc cao nhất của tuyến biên giới Lạng Sơn. Bao nhiêu chiếc áo bông, mũ ấm nhất được huy động để tránh rét. Trong cái mù mù trắng xóa, chúng tôi vẫn nhận ra một màu vàng suộm của cả một vạt rừng toàn chanh. Vừa đi các anh vừa giải thích: Trên này thời tiết khắc nghiệt là vậy, đến cỏ lau còn chết cháy từng mảng lớn vì sương muối, vậy mà cây chanh lại sống khoẻ; cây nào quả cũng sai trĩu, chín vàng; mà điều lạ hơn đây là cây chanh nhà, do anh em mang lên đây trồng, chứ không phải mọc tự nhiên.
Càng gần về trưa, trời có phần quang mây hơn, chúng tôi đã ra tới cột mốc; dù rét tê tái nhưng trong mỗi chúng tôi đều dâng trào cảm xúc thiêng liêng bồi hồi xúc động; từng người một, đứng lặng nhìn rồi nhẹ nhàng chạm tay vào cột mốc; một chiến sĩ biên phòng lặng lẽ rút ra một chiếc khăn cẩn thận lau từng tí một trên cột mốc như sợ tấm đá hoa cương “bị đau”; có lẽ đấy là hình ảnh đáng tiếc nhất mà chúng tôi không ghi lại được bởi người quay phim cũng lặng đi, quên mất nhiệm vụ của mình. Qua các anh, chúng tôi được biết, chính tại nơi này, đã có hàng trăm chiến sĩ anh dũng hy sinh để gìn giữ từng tấc đất, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đón xuân cùng đồng bào
Trên đường về, Binh nhì Hà Văn Dụng, sinh năm 1993 tâm sự: Trên Điểm cao này, chỉ có mây trời lồng lộng, nhưng chúng em vẫn nguyện chắc tay súng, đẫm sương đêm canh gác biên cương của Tổ quốc. Đây cũng là năm thứ hai em xung phong đón Tết trên điểm cao này bởi em chưa có người yêu, nhường phép cho đồng chí nào có người yêu về ăn Tết. Ở lại đón Tết với bà con dân bản cũng vui lắm.
Chia tay các anh, chúng tôi trở về Đồn Biên phòng Pò Mã, thời tiết đã vào xuân, khắp sân vườn của đồn hoa đào nở thắm, các chiến sỹ mỗi người một việc đang cùng nhau dọn dẹp để chuẩn bị đón xuân. Đại úy Đường Lê Minh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Mã cho biết: Cứ đến độ xuân về, ngoài việc chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để anh em chiến sỹ đón Tết, thì chúng tôi luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để hỗ trợ, tặng quà và đi chúc Tết các gia đình nghèo, gia đình chính sách, những người có uy tín đã góp nhiều công sức để gìn giữ an ninh biên giới. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để chúng tôi gần dân hơn, hiểu dân hơn và cũng là cơ hội để đáp lại tình cảm mà những người dân biên giới nơi này đã dành cho chúng tôi.
Năm nay Đồn Biên phòng Pò Mã đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1,5 tấn gạo ngon, gần 14 triệu đồng cùng hàng chục chăn bông, áo ấm. Các món quà này chính là sự chắt chiu, dành dụm của các anh từ tiền lương, xuất ăn để tặng đồng bào nghèo đón Tết. Đặc biệt những hộ gia đình nào không có khả năng sắm Tết thì các anh gói bánh chưng, tặng thịt lợn để đảm bảo nhà nào cũng có một cái Tết vui tươi, phấn khởi. Thời khắc giao thừa, đồn sẽ tổ chức để người dân, đoàn thanh niên tới đồn cùng với các chiến sỹ ăn bữa cơm thân mật, chung vui văn nghệ… sau đó, các anh cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương đi thăm và chúc Tết các gia đình chính sách, người già neo đơn, người có uy tín trong cộng đồng.
Sau những cái bắt tay thật chặt trước khi rời Đồn Biên phòng Pò Mã, ra về dù trời đã mịt mờ trong gió rét nhưng trong lòng chúng tôi trào dâng niềm khâm phục và biết ơn các anh, những người chiến sĩ nguyện tháng ngày làm bạn với sương gió biên thùy để canh giữ mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Vậy là Tết này, sẽ lại có những người mẹ xa con, người vợ xa chồng và những người con vắng bóng cha, nhưng các anh nguyện tạm quên đi những hạnh phúc đời thường để tô thắm thêm cho những mùa xuân của biên cương Tổ quốc.
Bài và ảnh:Thái Thuần