Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội vừa trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xem xét dự thảo quy định Quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nếu dự thảo được thông qua, các dạng nhà siêu mỏng, méo có diện tích dưới 30 m2 trên các tuyến đường mới mở sẽ không còn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quy hoạch và xây dựng đô thị, dự thảo này vẫn chỉ “phạt ngọn”, trong khi cái Hà Nội cần là phải làm được tận gốc.
Vì sao có nhà mỏng, méo?
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam, đúng ra dọc các tuyến phố mới mở của Hà Nội phải là các cao ốc chạy đều tăm tắp, hai bên đường, chân các tòa cao ốc là các cửa hàng, siêu thị, trung tâm tài chính sáng láng... Nhưng hàng chục năm qua dù đã có ý tưởng, Hà Nội vẫn không làm được!
Một ngôi nhà siêu mỏng ở ngõ 345 Trần Khát Chân. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ cho biết, thành phố Hà Nội hiện có 533 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo ông Thọ, nguyên nhân là do Hà Nội mở đường để phục vụ quá trình phát triển đô thị, giải quyết giao thông. Nhưng khi mở đường, giải phóng mặt bằng (GPMB), thành phố chưa có phương án cụ thể, đồng bộ để tổ chức xây dựng các mặt phố theo quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố cũng chưa có, dẫn đến các công trình bị cắt xén hoặc lô đất còn lại sau GPMB có kích thước không hợp lí, đã tạo ra các loại nhà siêu mỏng, siêu méo. Lý giải về khó khăn trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Thọ cho rằng vướng nhất là cơ chế chính sách GPMB, nguồn tài chính...
Nhiều ý kiến cho rằng, khi mở một tuyến đường mới trong nội thành Hà Nội, thay vì chỉ giải phóng mặt bằng (GPMB) của dãy nhà hai bên đường thì cần GPMB mỗi bên rộng thêm 100 m nữa. Sau đó, Nhà nước hay doanh nghiệp sẽ quy hoạch lại hạ tầng cơ sở và đấu thầu quỹ đất đó cho các chủ đầu tư xây dựng lên những công trình hiện đại, phù hợp với quy hoạch, cảnh quan của tuyến đường. Làm như thế, Hà Nội mới có được các tuyến phố đẹp, không chỉ đóng góp cho bộ mặt kiến trúc Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại mà nạn ách tắc giao thông của Thủ đô cũng được giải quyết.
Ông Hùng ước ao, nếu Hiệp hội có quyền quyết định, Hội sẽ làm theo cách: Khi mở mới một tuyến đường, sẽ GPMB sạch hai bên đường, mỗi bên sâu thêm vào khoảng 50 – 100 m để quy hoạch lại, dựng lên tuyến phố văn minh, hiện đại.
Giải pháp luẩn quẩn
Tuy nhiên, Sở QH&KT Hà Nội lại đang trình UBND thành phố một dự thảo với những quy định xử lý kiểu “phạt ngọn” đối với các nhà siêu mỏng, siêu méo hiện hữu. Theo Dự thảo, tại các tuyến phố Hà Nội sẽ mở rộng, các lô đất có diện tích nhỏ hơn 30 m2 và có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3 m nằm trên hai bên tuyến đường sẽ không được tồn tại.
Đối với các lô đất không đủ điều kiện xây dựng nhưng được hình thành trước ngày quy định này có hiệu lực thì nếu lô đất còn lại nhỏ hơn 15 m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 m sẽ không được phép xây dựng. Nếu phần diện tích còn lại có diện tích từ 15 - 40 m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3 m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng.
Các lô đất hình thành sau Quyết định số 39/2005/QĐ - TTg có hiệu lực cho đến thời điểm trước khi quy định xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo này có hiệu lực thì xử lý theo các văn bản quy định về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố. Cụ thể, lô đất có diện tích nhỏ hơn 15 m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m thì không được phép xây dựng, có thể cải tạo theo hiện trạng; lô đất có diện tích từ 15 m2 trở lên, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì khuyến khích áp dụng các quy định xây dựng về góc cắt, chiều cao công trình, khoảng lùi, mật độ xây dựng, kiến trúc... Trường hợp lô đất nằm trên tuyến đường và 2 bên tuyến đường đã ổn định hoặc hợp khối công trình thì có thể được xem xét xây dựng mới để hoàn thiện cảnh quan tuyến phố nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét, quyết định.
Theo các chuyên gia quy hoạch, với các nội dung của Dự thảo nêu trên, Hà Nội cũng sẽ vẫn tạo ra các tuyến phố nham nhở! Dự thảo vẫn không giải quyết được tận gốc của vấn đề nhà mỏng, méo, phố kiểu... “làng!”. Điều đáng nói nhất là vấn đề bất bình đẳng vẫn không được giải quyết triệt để, khiếu kiện càng phát sinh do người phải đi thì chịu thiệt vì giá bồi thường GPMB thấp, người ở lại thì giàu to vì nhà trong ngõ bỗng dưng ra mặt phố.
Nhận xét về cách giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo trong nội dung Dự thảo quy định trên của Sở QH&KT Hà Nội, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam thẳng thắn, đó là cách “né” các vấn đề khó chứ không phải vì lợi ích đô thị của các cơ quan chức năng Hà Nội. Nếu vì lợi ích đô thị, vì dân thì khó mấy các nhà quản lý, quy hoạch Hà Nội cũng phải làm.
Không ít ý kiến cho rằng, nếu GPMB với quy mô, diện tích lớn như vậy và lại phải làm hoàn chỉnh hạ tầng mới mang quỹ đất đó ra đấu thầu thì Nhà nước lấy đâu vốn? TS Liêm cho rằng, khi nêu khó khăn này, các cơ quan quản lý nên tự hỏi các doanh nghiệp tư nhân họ lấy vốn đâu để phát triển các đô thị rộng hàng trăm, hàng nghìn ha? Chắc chắn rằng doanh nghiệp cũng phải vay ngân hàng để triển khai dự án. “Thế thì tại sao (Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội) không dám vay tiền ngân hàng để triển khai?”, TS Liêm nói.
Theo ông Liêm, mở rộng GPMB hai bên đường là cách mà các nước từ châu Âu đến châu Á (Xinhgapo, Trung Quốc) đều áp dụng. Chỉ có GPMB sạch hai bên đường chúng ta mới có thể quy hoạch lại, sắp xếp hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình hai bên đường thuận tiện hơn.
Xuân Hương