Xóm nghề ươm cây giống Ngãi Tứ tất bật vào vụ Tết

Những ngày này, người dân có dịp đi qua đường tỉnh 904, đoạn ấp Nhứt, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long sẽ thấy không khí lao động sản xuất nhộn nhịp của nông dân xóm nghề bầu cải (ươm cây giống) nơi đây.

Hình thành hơn mấy chục năm qua, xóm nghề bầu cải Ngãi Tứ đã phát triển từ vài hộ đến nay có hơn 25 hộ làm nghề thường xuyên. Công việc từ chuyên ươm bầu cải đã chuyển sang ươm cây giống với đa dạng các loại rau màu, hoa... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nhất là khi Tết đến Xuân về. 

Chú thích ảnh
Công đoạn ươm cây giống. 

Là hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Lê Văn Sơn (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) cho biết, trước đây, xóm nghề bầu cải chỉ có vài hộ làm nghề. Các hộ dân tận dụng những khoảnh đất nhỏ ven đường, ngoài sân để làm giàn, ươm cây cải giống bán kiếm thêm thu nhập. Dần dần, từ nghề bầu cải nơi đây phát triển nên xóm nghề ươm cây giống rau màu với nhiều loại như ớt, cải, bắp cải, cà và các giống hoa… được người dân khắp nơi biết đến như một thương hiệu uy tín.

Ông Sơn cho biết, xóm nghề hoạt động quanh năm, tuy nhiên, tất bật nhất vẫn là vào vụ Tết. Từ khoảng cuối tháng 9 Âm lịch, nhà nhà lo quấn bầu, vô hạt chuẩn bị cây giống rau màu. Dịp Tết năm nay, ông Sơn chuẩn bị hơn 50.000 bầu cây giống cải, bí, cà, ớt các loại để cung cấp cho thị trường.

Chú thích ảnh
Công đoạn sắp bầu và cho phân vào bầu. 

Để có được cây giống tốt, khỏe mạnh, đảm bảo uy tín khi cung cấp cho thị trường, người nông dân phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, người nông dân phải kết bầu bằng lá chuối, sau đó trộn phân rồi cho phân vào các bầu, gieo hạt, tưới nước và chăm bón đến khi cây nảy mầm và phát triển tốt. Sau từ 10 -15 ngày theo dõi, chăm sóc, cây con khỏe mạnh được xuất đi nhiều nơi.

Cây giống được bán theo thiên (1.000 cây là một thiên), giá dao động từ 200.000 đến khoảng 400.000 đồng/thiên các loại như cải, cà, ớt… Cây lớn tính giá theo từng cây, từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/cây. Ông Lê Văn Sơn cho biết: “Hàng năm vào thời điểm này, người dân đã bán kha khá rồi. Tuy nhiên, năm nay, tình hình khó khăn hơn, khách đến mua chưa đông như những năm trước. Bà con hy vọng những ngày tới việc mua bán khá hơn để đón Tết sung túc”.

Chú thích ảnh
Người dân chuẩn bị các công đoạn ươm cây giống. 

Theo người dân, nghề làm bầu cải được ví von là nghề "nắng che mưa đậy", bởi phải qua nhiều công đoạn và cũng phải phụ thuộc vào thời tiết. Trời nắng gắt hoặc mưa nhiều dễ làm hao hụt cây giống. Ngày nay, người dân có nhiều cải tiến, đầu tư thêm các tấm lưới che giàn, hạn chế ảnh hưởng của nắng mưa, sâu bọ nên đỡ phần vất vả mỗi khi thời tiết cực đoan. Để có cây giống khỏe mạnh, chất lượng đòi hỏi người nông dân phải chăm sóc tỉ mỉ hơn. Năm nay, giá các loại vật liệu như tro, hạt giống đều tăng, thời tiết thất thường. Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng, người dân xóm nghề vẫn giữ giá như những năm trước, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Anh Lê Minh Thắng cho biết: “Năm anh em nhà tôi chuẩn bị khoảng 300.000 cây giống các loại để bán vụ Tết. Những ngày này, bán cải, cà, ớt, đu đủ..., tầm khoảng 15 ngày nữa bán thêm các loại bông (hoa). Năm nay, người dân ở đây vẫn tập trung cho vụ Tết nên nguồn cung không thiếu, đảm bảo phục vụ thị trường. Nguyên vật liệu có tăng nhưng vẫn giữ giá cũ để bà con yên tâm trồng”.

Xóm nghề bầu cải, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình hiện có hơn 25 hộ tham gia sản xuất thường xuyên. So với trước đây, việc tiêu thụ cây giống của người dân xóm nghề dễ dàng hơn khi đường đi thuận tiện, thương lái đến tận nơi để mua với số lượng lớn và vận chuyển đi đến nhiều tỉnh lân cận. Việc làm ăn thuận tiện, vào những tháng cận Tết, nhiều hộ dân mạnh dạn bầu thêm các loại hoa như vạn thọ, cúc mâm xôi, hoa hồng... để đón thị trường ngày Tết.

Chú thích ảnh
Thương lái đến mua cây giống chuẩn bị trồng vụ Tết. 

Nghề bầu cải không chỉ mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình mà còn góp phần mang lại thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương với nhiều công việc thời vụ như làm bầu, vô hạt, chất bầu lên giàn, chăm sóc... Bà Trần Thị Dô (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) cho biết, hàng ngày bà trồng rau màu để có thu nhập, đến mùa bầu cải rộ, nhất là ngày Tết, đi phụ thêm cho các gia đình sản xuất cây giống nhiều. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tỉ mỉ và chịu khó. Ngồi sắp bầu lên giàn mỗi ngày, bà thu từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, đủ trang trải trong gia đình.

Ông Nguyễn Hoàng Diệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình cho biết, xóm nghề bầu cải và ươm cây giống ở địa phương hiện nay có khoảng 25 hộ tham gia sản xuất thường xuyên. Nhờ hình thành lâu năm và có uy tín, vụ Tết hàng năm, người dân xóm nghề đều có đông khách hàng đến mua cây giống.

Vụ Tết năm nay, các hộ dân lại tất bật sản xuất chuẩn bị nguồn hàng. Cùng với ươm các loại giống rau màu, những năm gần đây, người dân xóm nghề mở rộng thêm ươm và trồng hoa phục vụ thị trường Tết. Nghề ươm cây giống và trồng hoa đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào việc thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Để duy trì và phát huy hiệu quả xóm nghề, trong thời gian tới, địa phương sẽ chỉ đạo xúc tiến thành lập tổ hợp tác, đồng thời xây dựng kế hoạch liên kết đầu ra để ổn định thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Quýt Văn Giang biến thành tác phẩm nghệ thuật, chờ đón vụ Tết
Quýt Văn Giang biến thành tác phẩm nghệ thuật, chờ đón vụ Tết

Tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) người nông dân đã tạo dáng nhiều chậu quýt thành nhiều kiểu dáng bonsai như thỏi vàng, lục bình khổng lồ... độc đáo, với giá thành hàng chục triệu đồng, phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN