Cùng với 7 cây cầu vượt đã đưa vào khai thác hiệu quả tại các nút giao thông trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, bức tranh giao thông Thủ đô những ngày cuối năm 2016 như bớt đi những mảng màu u ám.
Cầu vượt cán đích
Trong bối cảnh ùn tắc giao thông đang là vấn đề nhức nhối ở Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Hà Nội triển khai 8 công trình giao thông cấp bách theo cơ chế đặc thù để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay đã có 3 trong số này được khởi công xây dựng gồm cầu vượt tại nút giao Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh - Vĩnh Tuy và dự án mở rộng đường vành đai ba, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.
Thi công đường dẫn 2 đầu cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Việc được hưởng cơ chế đặc thù, áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng đã rút ngắn thời gian hoàn thành công trình chỉ còn từ 5 – 7 tháng. Về đích đầu tiên trong 3 dự án trên là cầu vượt nút giao Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái, dự kiến thông xe vào ngày 26/12, ngay trước Tết Dương lịch.
Khởi công ngày 28/5, thi công liên tục 24/24 giờ trong điều kiện vừa phải đảm bảo giao thông cho phương tiện thông qua nút, đến ngày 23/12, cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái đã chính thức hoàn thành chờ ngày thông xe.
Anh Đào Thanh Hải, Trưởng Phòng dự án Ban quản lý dự án giao thông 1 – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đây là cây cầu thép có nhịp vượt chính dài bậc nhất so với những cây cầu vượt thép đã thi công trên địa bàn thành phố. Cây cầu này có tổng mức đầu tư trên 166 tỷ đồng, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp kết nối, giảm ùn tắc giao thông đoạn cuối tuyến đường vành đai 1.
Cầu có chiều dài 232,4m theo hướng đường vành đai 1 (Trần Khát Chân đi Nguyễn Khoái) bằng kết cấu thép lắp ghép; mặt cắt ngang cầu rộng 12 m; tải trọng thiết kế 0,5 HL93; gồm 4 nhịp liên tục bằng dầm hộp thép, có mặt cắt thay đổi 45m+56m+72m+56m; tĩnh không thông xe dưới cầu 4,75m, được xây dựng đồng bộ các hạng mục phụ trợ thoát nước, bó vỉa, lan can, cây xanh, bồn cây, thảm cỏ đảm bảo cảnh quan kiến trúc đô thị, chiếu sáng.
Cùng với cầu vượt Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái, cầu vượt tại nút giao Cổ Linh – Vĩnh Tuy có tổng mức đầu tư hơn 161 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố cũng đang được nhà thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung tích cực đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành dự án trước Tết Nguyên đán 2017.
Phó Chỉ huy trưởng công trường Nguyễn Văn Hưng cho biết, bắt đầu triển khai từ cuối tháng 7/2016 nhưng đến tháng 11 mới được bố trí vốn, để hoàn thành được sản lượng công việc như hiện tại phấn đấu hoàn thành dự án trong vòng 5 tháng là một sự nỗ lực hết mình của nhà thầu. Với kinh nghiệm đã thi công một số cầu treo dân sinh của Bộ Giao thông Vận tải, cầu vượt nút giao Trần Khát Chân, công ty đã triển khai thi công cầu vượt nút giao Cổ Linh – Vĩnh Tuy đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Đến nay đã hoàn thành khối lượng lớn công việc như xén hè, dải phân cách mở rộng lòng đường; di chuyển các hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu trong nút vào vị trí phù hợp; thi công xong toàn bộ 4 trụ, 2 mố, 2 tường chắn hộp đầu cầu; chế tạo xong 5 nhịp dầm; 4 xà mũ trụ, lắp thử các nhịp dầm trong nhà máy; đang tiến hành các công tác làm sạch sơn hoàn thiện, vận chuyển nhịp dầm đến công trường để chuẩn bị lắp đặt các nhịp dầm, dự kiến hoàn thành công tác lao lắp trước 5/1/2017.
Cầu vượt tại nút giao giữa đường Cổ Linh và đầu cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên) sau khi đưa vào sử dụng sẽ giảm tải cho toàn bộ nút giao thông đầu cầu Vĩnh Tuy, tránh xảy ra xung đột giao thông khi nút giao thông vành đai ba cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường 40m của quận Long Biên hoàn thành khi đó lượng phương tiện hút về nút giao Cổ Linh sẽ rất đông.
Phát huy hiệu quả
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện và hoàn thành rất nhiều dự án công trình hạ tầng giao thông khung có ý nghĩa quan trọng gồm các tuyến cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, các trục đường vành đai, hướng tâm; cầu vượt sông... góp phần giảm ùn tắc giao thông và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô cũng như sự phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Cùng với đó Hà Nội cũng hoàn thành 7 công trình giao thông cấp bách tại các nút giao thông trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông gồm: Nút giao Láng Hạ - Thái Hà; nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc; nút giao Lê Văn Lương – Đường Láng; nút giao Nguyễn Chí Thanh– Đường Láng; nút giao Nam Hồng; nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân; nút giao Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã để xử lý các điểm ùn tắc giao thông.
Đánh giá về tính hiệu quả của các công trình giao thông cấp bách trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, 7 cầu vượt đưa vào khai thác đã đem lại hiệu quả rất tích cực, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra, phát huy hiệu quả sau đầu tư, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông và các tuyến đường xung quanh khu vực đã cơ bản được giải quyết, thời gian thông qua nút giảm rõ rệt, đi lại thông thoáng. Riêng 7 công trình cầu vượt kết cấu thép, nhất là những công trình có mặt bằng thi công hạn chế đã đáp ứng được các điều kiện như chi phí vừa phải, thời gian thi công nhanh, phương án thi công, phân luồng hợp lý đã hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến giao thông đi lại tại các nút giao trong quá trình thi công.
Đặc biệt sau khi đưa vào sử dụng các cây cầu vượt đã giải quyết ngay tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông này, cũng như hỗ trợ hạn chế ùn tắc giao thông trên các trục tuyến đường chính và hệ thống đường ngang, các nút giao thông kế cận. Việc điều tiết giao thông tại các nút giao vốn rất phức tạp trước đây phải sử dụng đèn tín hiệu giao thông kết hợp khá đông lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để điều hành giao thông vẫn chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông (đặc biệt là vào giờ cao điểm) thì sau khi đầu tư nút giao khác mức đã giải quyết được dứt điểm vấn đề này do đã giải quyết được các giao cắt trực tiếp đối với các dòng phương tiện qua nút, rút ngắn thời gian thông hành qua nút.
Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, để giải quyết các điểm đen ùn tắc giao thông, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thành xây dựng các công trình cấp bách như nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; cầu vượt ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (giao giữa đường Vành đai 1 với đường Lò Đúc, đường Kim Ngưu); cầu vượt bằng kết cấu thép tại nút giao thông An Dương - đường Thanh Niên; nút giao Cổ Linh (giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn đầu cầu phía Bắc cầu Vĩnh Tuy); đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Hiện nay, áp lực giao thông trên địa bàn Hà Nội vẫn gia tăng khắp nơi trên địa bàn Hà Nội. Theo rà soát của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, số điểm ùn tắc giao thông ở thành phố tuy đã giảm xuống chỉ còn 35 điểm nhưng nhiều điểm khác lại chờ phát sinh.
Trong điều kiện ngân sách thành phố còn eo hẹp, cơ cấu vốn 5 năm tới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, để giải quyết vấn đề này, thành phố xác định phải đa dạng hóa thu hút nguồn vốn đầu tư từ ngân sách (bao gồm cả vốn ODA) và huy động theo các hình thức PPP, BOT, BTO, BT… để xây dựng các công trình giao thông.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cho phép thực hiện một số chính sách nhằm thu hút nguồn vốn qua việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, vay vốn của các tổ chức tài chính nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch, Quỹ đầu tư Phát triển thành phố để kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải.