Chưa có khảo sát nào cho thấy hàng năm ngân sách nhà nước thất thu bao nhiêu tỷ đồng tiền thuế do các doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động dưới danh nghĩa vận tải du lịch lữ hành, nhưng chắc chắn không nhỏ.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng các loại xe vận tải khách “đội lốt” xe du lịch vận chuyển hành khách, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải khách hiện nay, từ cuối tháng 3/2011, các địa phương trong cả nước sẽ đồng loạt cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch theo Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, thực tế này không dễ quản!
Qua mặt…
Mỗi ngày tại các “bến cóc” trên đê Yên Phụ, phố Cửa Đông, Nguyễn Trường Tộ… (Hà Nội) có không dưới 80 lượt xe dán mác hợp đồng, du lịch từ 16-24 chỗ chạy tuyến Hà Nội-Lạng Sơn-Đồng Đăng-Hữu Nghị Quan xuất bến với tần suất 30 phút/chuyến. Có dịp sắm vai hành khách, mới biết các “mánh khóe” chạy tuyến của chủ xe.
Xe khách cải trang thành xe du lịch hoạt động bất hợp pháp để vận chuyển hành khách. Ảnh: Lê Phú |
Hầu hết các xe “du lịch” chạy tuyến Hà Nội-Lạng Sơn thực chất đều là xe khách, đón, dừng đỗ, bắt trả khách dọc đường, thu tiền không vé tùy theo chặng, theo yêu cầu của “thượng đế” và không mất tiền bến bãi. Hành khách lên xe “du lịch” tuyến này đều được lái phụ xe hướng dẫn đầy đủ các quy định tuân thủ như đối với xe dành cho khách đi du lịch, được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân cho nhà xe theo một hợp đồng giấy in sẵn khách du lịch theo ngày/tuyến. Không biết hợp đồng có tác dụng gì, nhưng mỗi khi những chiếc xe du lịch này được cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ trên đường “sờ gáy”, hợp đồng này được xuất trình cùng với các giấy tờ khác liên quan là xe lại “ung dung” lên đường.
Suốt tuyến, chiếc biển phóc-mi-ca trắng hai mặt ghi chữ đỏ Hà Nội-Lạng Sơn, Lạng Sơn-Hà Nội liên tục được lái xe nâng lên, hạ xuống mỗi khi qua chốt CSGT và các điểm đấu nối giữa quốc lộ 1A với các đường liên huyện, liên xã dọc hai bên quốc lộ để “vợt” khách. Nhiều lái xe khi được hỏi làm thế nào để phát hiện được chốt trực CSGT phía trước, cánh lái xe đều vui vẻ “Đó là những ám hiệu riêng của cánh lái xe. Nghề mà, không biết thì mỗi lần nộp phạt có mà móm…”. Việc bắt khách trên tuyến của những xe vận tải khách du lịch này cũng đủ “chiêu”, chủ yếu được thông báo qua điện thoại di động đối với khách quen đón tận nhà, còn đối với khách lạ thì “né” CSGT bằng đội ngũ xe ôm trên từng cây số.
Chưa hết, tại các bến xe được lập ngay giữa các tuyến phố trung tâm của Hà Nội trong giờ cao điểm đối với xe chạy tuyến Hà Nội đi Hà Tĩnh, Huế, Quảng Bình… như điểm dừng xe buýt trước số nhà 340-342 đường Trần Khát Chân, đoạn phố Võ Thị Sáu (đối diện Công viên Tuổi trẻ), phố Trần Đại Nghĩa (bên cạnh Đại học Bách khoa Hà Nội), thậm chí ngay trước cổng các bến xe trong thành phố hiện nay, "núp bóng" xe hợp đồng du lịch, nhiều nhà xe vẫn bán lẻ vé trực tiếp cho hành khách ngay trên xe. Đường Trần Khát Chân, dài chưa tới 2 km, nhưng mỗi ngày có gần chục lượt xe du lịch chất lượng cao ngang nhiên lập bến, đón khách, nên không ít người qua đường gọi đây là “xe dù chất lượng cao”, khiến con đường vốn chỉ đủ cho 2 làn xe này chỉ còn một nửa, mỗi khi có xe buýt dừng đón trả khách, khiến cả đoạn phố chật như nêm.
Quy định rõ ràng, vẫn nhập nhằng!
Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT (ngày 26/3/2007) của Bộ GTVT quy định về vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô nghiêm cấm các xe vận chuyển khách theo hợp đồng, đăng lý khai thác vận chuyển khách du lịch tổ chức bán vé cho khách đi xe. Bên cạnh đó, phương tiện vận tải khách theo hợp đồng du lịch chỉ được phép hoạt động khi có hợp đồng vận tải ghi rõ thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ cụ thể nơi đi, nơi đến, số lượng khách tại từng điểm, hành trình chạy xe... Nhưng thực tế cho thấy quyết định này đang bị “phớt lờ” và việc ngang nhiên đón khách, bán vé lẻ cho khách dọc đường là “luật bất thành văn”. Phải chăng, tình trạng “núp bóng” trá hình này tồn tại lâu nay, mà các cơ quan chức năng không hay biết?!
Xe vận tải khách “đội lốt” xe du lịch vận chuyển hành khách tại đường Võ Thị Sáu (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú |
Sớm chấn chỉnh tình trạng này, ngày 26/1/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ GTVT đã ký ban hành Thông tư liên tịch 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/3/2011. Theo đó, các địa phương sẽ đồng loạt cấp biển hiệu hoạt động cho xe đăng ký vận tải du lịch.
Ô tô có biển hiệu xe vận chuyển khách du lịch được ưu tiên trong việc bố trí nơi dừng đỗ thuận tiện để đón, tiễn khách du lịch tại bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, bến thuyền, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch khác; được phép hoạt động không hạn chế về thời gian trên tuyến đường dẫn đến các khách sạn 3 sao trở lên. Biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch có viền đỏ, chữ xanh đậm, góc bên trái có lôgô hòn trống mái; biển A cấp cho ô tô có niên hạn sử dụng dưới 5 năm; biển B cấp cho ô tô có niên hạn sử dụng từ 5-10 năm; thời hạn của biển hiệu là 24 tháng và có giá trị trong phạm vi toàn quốc.
Để được những ưu đãi đó, ô tô vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo các điều kiện về nội thất và tiện nghi, trong đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi phải có điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng. Ô tô từ 9-dưới 24 chỗ ngồi, ngoài các điều kiện nêu trên phải có rèm chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, bình chữa cháy, búa sử dụng để thoát hiểm, thùng chứa rác, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của người lái xe; ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên phải có thêm micro, ti vi và khu vực cất giữ hành lý cho khách du lịch...
Thông tư còn quy định rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch: 6 tháng một lần kể từ ngày phương tiện được cấp biển hiệu xe ô tô vận chuyển khách du lịch đưa vào hoạt động, đơn vị kinh doanh gửi báo cáo kết quả kinh doanh vận chuyển khách du lịch đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giao thông Vận tải; ít nhất 15 ngày trước khi biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch hết thời hạn sử dụng, đơn vị kinh doanh phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị cấp lại biển hiệu…
Quy định bằng văn bản đã có, tuy nhiên, tình trạng nhập nhằng giữa xe hợp đồng du lịch, xe khách chạy tuyến cố định, cũng như sự “qua mặt” hàng ngày nêu trên nếu thiếu vắng sự quản lý sát sao, cũng như công tác xử lý không quyết liệt của các lực lượng chức năng, kết quả thu được có thể bằng không và ngân sách nhà nước tiếp tục sẽ thất thu thuế.
Ý kiến:
Khó quản sự “cơ động” của xe du lịch trá hình Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Việc một số doanh nghiệp vận tải núp bóng xe hợp đồng du lịch để bán vé chở khách tuyến cố định, dừng đón trả khách dọc đường đã tồn tại từ lâu. Mặc dù lực lượng chuyên ngành thường xuyên rà soát, phối hợp với nhiều lực lượng phát hiện, bắt giữ và xử lý, nhưng sự “cơ động” của các loại xe vận tải khách du lịch trá hình hiện nay rất khó quản. Lợi dụng kẽ hở trong quản lý nhà nước về quy định vận chuyển khách du lịch, các doanh nghiệp kiểu này hoạt động nay chỗ này mai chỗ kia, gửi xe ở các điểm đỗ, gom khách tại các văn phòng vận tải hoặc tại nhà, khách sạn… Bên cạnh đó, do số lượng xe kiểu này không nhiều, nên bắt quả tang phải có đầy đủ bằng chứng như hợp đồng thế nào, bắt được bán vé hay không… Tới đây, việc xử lý các loại xe này sẽ được triển khai trên diện rộng, kể cả các điểm đỗ xe tĩnh.
Những kiểu trá hình mới Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Trên địa bàn Thủ đô đang xuất hiện những kiểu trá hình mới trong hoạt động vận tải hành khách. Xe dù, bến cóc biến tướng sang dạng xe khách đường dài, thỉnh thoảng chạy hợp đồng cho một công ty nào đó, xin được phù hiệu hợp đồng và tuyến cố định, rồi bán vé dưới dạng xe du lịch, hoặc đăng ký chạy tuyến nhưng đón khách ở ngoài tuyến, sau đó “lập lờ đánh lận con đen” hoạt động cùng với xe chạy tuyến cố định. Thực tế này rất khó để kiểm soát.
Xe du lịch trá hình đánh trúng tâm lý hành khách Phó ban Thanh tra GTCC Hà Nội Hoàng Văn Mạnh cho biết: Các loại xe vận tải hành khách trá hình còn đất hoạt động là do đánh trúng được tâm lý hành khách. Hành khách có nhu cầu không muốn vào bến mua vé mà thường có tâm lý gặp đâu đi đấy cho nhanh.
Tập trung xử lý các điểm đỗ xe trá hình Trung tá Lê Quang Mỹ, Đội Trưởng đội CSGT Công an huyện Từ Liêm cho biết: Xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình đang tồn tại các điểm rửa xe, kiêm dịch vụ bãi đỗ xe cho xe khách. Đây chính là những điểm đỗ xe trá hình tạo điều kiện cho xe khách đường dài dưới nhiều hình thức vận tải có đất hoạt động. Công an huyện Từ Liêm đang có kế hoạch tập trung xử lý dứt điểm các tụ điểm này. |
Nguyễn Tiến