“Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là cần thiết, nhưng phải tính toán đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu Quốc hội sau khi nghe Tờ trình về Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 29/10.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: chinhphu.vn |
Phải nhìn bằng tầm nhìn mới Phân tích về việc cần thiết phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên (Đại biểu Quốc hội Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, hiện Việt Nam chưa có sân bay nào tầm cỡ khu vực, ngang tầm với vị thế của một đất nước đang phát triển về mọi mặt, kể cả kinh tế, đối ngoại, du lịch thu hút đầu tư nước ngoài.
Để đảm bảo việc vận chuyển hành khách nội địa và hành khách quốc tế ở Việt Nam sau năm 2020, việc xây dựng một sân bay quốc tế có quy mô như Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. “Dự án xây dựng Sân bay Long Thành phải được đặt trong bối cảnh tất cả các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, sẽ có hiệu lực và được thực hiện, nhất là sau năm 2015, chúng ta thực hiện một ASEAN. Chúng ta phải tìm lời giải cho bài toán về yêu cầu vận tải hành khách, hàng hoá phục vụ cho du lịch, cho phát triển đất nước”- Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh. Đại biểu cho rằng “nếu vẫn nhìn với góc độ như hiện nay, chúng ta không lường hết được những tác động kinh tế của các dự án. Có những quy hoạch phải đi trước nhiều năm, phải nhìn với tầm nhìn mới, chúng ta mới thấy được sự cần thiết của các dự án”.
Có cùng quan điểm cần có cái nhìn mới, cái nhìn tổng thể, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, nếu chúng ta ngại về nợ, không đầu tư cho phát triển thì sẽ không bao giờ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Trong khi đó Dự án xây dựng Sân bay Long Thành là một trong những dự án phải quan tâm, nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2020 xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại biểu Vũ Xuân Hồng (Phú Thọ) cũng cho rằng, nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập với quốc tế, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là bến cảng, cảng hàng không có vai trò rất quan trọng. Dự án Sân bay Long Thành sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Trước mắt, không có tác động nhiều đến đầu tư công Trước nhiều ý kiến băn khoăn về Tổng mức đầu tư trong 3 giai đoạn của sân bay Long Thành là 18,7 tỉ USD, là quá lớn trong bối cảnh nợ công của Việt Nam gần chạm ngưỡng rủi ro lớn, đồng thời phương án huy động vốn chưa rõ ràng, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu việc đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành có hiệu quả, khả năng thu hồi vốn nhanh thì sẽ có nhiều biện pháp huy động vốn và không loại trừ khả năng huy động vốn của các thành phần kinh tế, mời gọi đầu tư nước ngoài cùng tham gia đầu tư bên cạnh nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa-TTXVN |
Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, hiện tại chúng ta chưa đầu tư, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét. Như các dự án, công trình đầu tư quan trọng khác, Dự án Sân bay Long Thành trước mắt thực hiện theo Nghị quyết 49/2010/QH12 và kể từ ngày 1/1/2015 thực hiện theo Luật Đầu tư công. “Theo Luật hiện hành, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chính phủ làm báo cáo khả thi, rồi mới duyệt dự án”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho biết, “nên việc đầu tư không phải triển khai trong năm 2015, năm 2016 mà sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ sau của Quốc hội (2016 - 2021). Từ nay đến 2016 chúng ta chưa sử dụng gì nhiều đến đầu tư công, ngoài việc trích một phần vốn rất nhỏ theo quy định của luật hiện hành để tiến hành nghiên cứu khả thi, từ đó mới quyết định xem xây dựng quy mô cỡ nào, lộ trình xây dựng ra sao, tổng mức đầu tư bao nhiêu… Nếu kỳ họp này Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, thì 5 năm nữa chúng ta mới bắt tay vào triển khai dự án".
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, mức đầu tư 18,7 tỉ USD là không quá lớn đối với quy mô như sân bay Long Thành và so với một số sân bay trong khu vực như ở Hong Kong, Singapore. Hơn nữa, việc giãn dân cũng không lớn, sân bay được xây dựng trên một địa hình bằng phẳng, địa chất tốt... thì chi phí giải phóng mặt bằng không quá lớn, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
Cần nhiều thời gian, tính toán kỹ lưỡng Tuy cho rằng vốn cho xây dựng sân bay Long Thành không phải là vấn đề lo ngại nhất, nhưng đại biểu Lê Đình Khanh băn khoăn, việc xây dựng sân bay Long Thành đã cấp thiết hay chưa. Triển khai dự án này phải đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Chính phủ phải có tất cả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho tương lai trong 10 năm, 20 năm tới. Cần lựa chọn dự án nào có hiệu quả hơn, cấp thiết để tập trung đầu tư, tránh đầu tư dàn trải”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh. Ảnh: Phương Hoa-TTXVN |
Đồng tình với chủ trương xây dựng dự án này, tuy nhiên đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng chưa cấp thiết, cần tính đến thời điểm triển khai. Một dự án lớn như Sân bay Long thành thì rất cần thời gian. Tại kỳ họp này, Quốc hội nên đưa ra chủ trương, sau đó để Chính phủ tính toán trên một bình diện tổng thể rồi đưa ra lộ trình triển khai cụ thể.
Đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị, phải cân nhắc hết sức cẩn trọng tính khả thi và hiệu quả dự án, kể cả phải tính tới đời sống người dân vùng giải tỏa. Dự án dự kiến thu hồi khoảng 5.000 ha đất, nhưng phương án bồi thường lại chia thành hai giai đoạn. Đại biểu đặt vấn đề tính toán tổng mức bồi thường thiệt hại có đúng không vì Luật đất đai 2013 quy định giá đất cụ thể, phải tính toán mặt bằng theo giá thị trường xác định theo hàng năm của dự án. "Đưa ra dự toán hơn 20.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng là phải hết sức cân nhắc, vì chưa tính đến giá đất có thể tăng lên. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng mức đầu tư". Đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị áp giá bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo Luật đất đai năm 2013 để không làm tăng chí phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng sau này. Đồng thời cân nhắc kỹ việc giải phóng mặt bằng 5.000 ha cùng lúc, thay vì làm đến đâu giải phóng mặt bằng đến đó như các dự án khác.
Đối với Tờ trình về Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa được trình trước Quốc hội, mặc dù là báo cáo tiền khả thi, nhưng nhiều hạng mục công trình cần phải có tính toán kỹ lưỡng và dự toán sát thực tế- đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh.
Giang Nguyễn