Mô hình nuôi thỏ của thanh niên Nguyễn Tuấn Vũ, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Mô hình nuôi gà kiến bản địa dưới tán rừng của gia đình anh Phan Quốc Khánh ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà đã thu được lợi nhuận cao trong năm 2017. Gia đình anh Khánh chăn nuôi gà thả tự nhiên trong rừng keo, thức ăn chăn nuôi là các phụ phẩm nông nghiệp. Phương pháp chăn nuôi được áp dụng theo tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học. Sản phẩm chăn nuôi được các siêu thị lớn trong cả nước bao tiêu nên anh Khánh không phải lo "đầu ra" của sản phẩm chăn nuôi.
Hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức nhóm hộ gắn với thị trường tiêu thụ được huyện Sơn Hà triển khai đã thực sự đạt hiệu quả trong những năm gần đây. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được gần 200 nhóm hộ chăn nuôi, trồng trọt. Các nhóm hộ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn khoa học kỹ thuật và chịu sự giám sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện.
Ông Đinh Công Bôn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, cho biết: Xã tích cực tuyên truyền, động viên người dân thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp. Các đoàn thể, các cơ quan liên quan tăng cường giám sát, chỉ đạo, giúp đỡ người dân để thực hiện mô hình hiệu quả.
Bình quân mỗi năm, từ nguồn vốn các chương trình hỗ trợ, huyện vùng cao Sơn Hà đầu tư trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; nhờ đó năng suất, chất lượng đã tăng lên, trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết: "Huyện đang tập trung đầu tư cho nhóm hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã để làm đầu mối hỗ trợ về kỹ thuật, giống, phân bón... Từ những tiêu chuẩn áp dụng theo phương thức sản xuất an toàn, hữu cơ và chất lượng, chúng tôi đã tìm được đầu ra ổn định cho một số sản phẩm hàng hóa của các nhóm. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức nhóm hộ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Sơn Hà thay đổi tư duy sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là phương thức hỗ trợ đang được khuyến khích và nhân rộng trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng về nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, đầu năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ giống và thức ăn cho Hợp tác xã Tân Hòa Phú, ở xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành để triển khai mô hình nuôi lợn bằng cám thảo dược.Từ sự hỗ trợ ban đầu của Hội Nông dân tỉnh, đến nay, hợp tác xã này đã phát triển khá ổn định và xây dựng, phát triển một chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên hợp tác xã. Đến tháng 4/2018, Hợp tác xã Tân Hòa Phú đã có 4 cửa hàng bán thịt lợn sạch tại Quảng Ngãi. Thịt lợn nuôi bằng thức ăn tự nhiên và cám thảo dược của hợp tác xã Tân Hòa Phú đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Mai Tuyết Nhi ở thành phố Quảng Ngãi, cho biết: "Từ nhiều tháng nay tôi luôn mua thịt lợn của hợp tác xã Tân Hòa Phú. Tôi nhận thấy thịt lợn này thơm ngon, giá thành cũng tương đương với các loại thịt ngoài thị trường”.
Mô hình chăn nuôi thịt lợn sạch bằng thức ăn tự nhiên và cám thảo dược được Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ thực hiện thí điểm tại Hợp tác xã Tân Hòa Phú, xã Hành Tín Tây từ đầu năm 2017. Nguồn thức ăn chăn nuôi được giám sát chặt chẽ, kết hợp các loại cám bắp, cám gạo, bột mì và cám thảo dược. Từ 72 con lợn giống ban đầu, đến nay, đàn lợn nuôi bằng thức ăn tự nhiên và cám thảo dược đã tăng lên hơn 1.000 con.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hòa Phú cho biết: Hiện, chúng tôi đã nhân rộng mô hình chăn nuôi ra toàn xã; các hộ chăn nuôi theo qui trình của hợp tác xã và được thu mua sản phẩm chăn nuôi với giá cao hơn. Việc chăn nuôi theo mô hình này đã giúp người chăn nuôi giảm chi phí "đầu vào" trong quá trình chăn nuôi. Hợp tác xã là khâu trung gian tổ chức sản xuất và thu mua lại sản phẩm của các hộ dân liên kết cũng góp phần bình ổn giá, kích cầu trong chăn nuôi.
Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi dành kinh phí 55 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ này, các địa phương đang tập trung thực hiện các mô hình, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân, đảm bảo từ khâu "đầu vào" đến quá trình sản xuất và thị trường tiêu thụ.