Nhờ chủ động xây dựng kế hoạch công tác, điều chỉnh các hoạt động quản lý, đổi mới quy trình cai nghiện nên Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) đã xây dựng được môi trường cai nghiện theo hướng thân thiện, hiệu quả, từ đó đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.
Môi trường thân thiện giúp học viên từ bỏ ý định bỏ trốn
Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai có quy mô tiếp nhận tối đa khoảng 1.000 học viên. Hiện tại cơ sở đang quản lý hơn 900 học viên. Riêng năm 2023, cơ sở tiếp nhận mới 650 học viên, tăng cao hơn so với năm 2022, đạt hơn 230% chỉ tiêu được giao.
Cứ hơn 6 giờ hằng ngày, tất cả các học viên lại tập trung ở khu vực sân của 8 khu quản lý để thực hiện bài tập thể dục khởi động ngày mới. Hoạt động không chỉ giúp cơ thể học viên được khỏe khoắn, trị liệu đạt hiệu quả mà còn gắn kết tình cảm giữa học viên với nhau và giữa cán bộ quản lý với học viên.
Ông Lê Văn Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý học viên, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai cho biết, gần 20 năm gắn bó, ông chứng kiến nhiều đổi thay của cơ sở nhưng hiện tại là thời điểm học viên được giáo dục, học tập, quản lý một cách thân thiện nhất. Nơi đây không còn là nơi giữ người nghiện mà trở thành trường học thân thiện để mỗi học viên vừa được học nghề, vừa học cách sống có ích và cách từ bỏ ma túy để sớm trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, phương pháp giáo dục người nghiện ma túy tại cơ sở được thực hiện theo hướng tiếp cận, chuyển đổi hành vi, thay đổi tâm lý cho học viên. Tại đây, học viên được tạo mọi điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt, lao động trị liệu. Cán bộ quản lý thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và điều chỉnh hành vi đúng chuẩn cho các học viên. Việc xưng hô giữa cán bộ và học viên cũng đổi thành thầy/cô và trò rất thân thiện. Qua đó, góp phần ổn định tâm lý cho học viên giúp học viên yên tâm cai nghiện, hạn chế xảy ra vi phạm nội quy, quy chế trong cơ sở.
Ông Phạm Đức Thịnh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính - kế toán, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai cho biết, các chế độ dành cho học viên như ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, lao động trị liệu, chăm sóc y tế, giáo dục, vui chơi giải trí… đều được đảm bảo tốt nhất và phù hợp nhất. Đặc biệt, cơ sở vật chất, cảnh quan cũng được đầu tư khang trang, tạo môi trường sạch đẹp, thoáng mát.
Các học viên tại cơ sở cũng được hỗ trợ học nghề phù hợp như: Chăn nuôi, trồng trọt, hàn tiện... Mỗi năm cơ sở được giao đào tạo 300 - 350 học viên và tất cả học viên đều được cấp chứng chỉ. Học viên thường xuyên được tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh nhật và chăm sóc y tế, vệ sinh phòng dịch…, giúp học viên yên tâm cai nghiện hơn.
Từng là nạn nhân của ma túy, anh T.V.H (24 tuổi) cho biết, những ngày đầu khi mới vào cơ sở cai nghiện, anh luôn có tâm lý bất an, lo sợ sẽ bị đánh đập, trừng phạt nên muốn bỏ trốn. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị cắt cơn, anh được tạo mọi điều kiện để học tập, làm việc và không còn ý định bỏ trốn khỏi cơ sở điều trị. Anh T.V.H chia sẻ: Các "thầy" thường xuyên tiếp thêm năng lượng tích cực, nuôi dưỡng ý chí, động viên tinh thần giúp anh tin tưởng vào cuộc sống để từ bỏ ma túy. Đến nay, chỉ còn gần 10 ngày nữa là anh hoàn thành đợt điều trị và được trở về với gia đình, tôi rất háo hức, mong ngày sớm được trở về để làm lại cuộc đời” ,
Đảm bảo an toàn, an ninh trật tự
Thời gian qua, số lượng học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai luôn tăng cao trong khi lực lượng cán bộ quản lý học viên tại cơ sở còn hạn chế. Dù vậy, tình hình an ninh trật tự tại cơ sở luôn ổn định, không xảy ra tình trạng học viên đánh nhau, bỏ trốn. Các chế độ của học viên luôn được đảm bảo, tạo tâm lý tốt cho họ yên tâm học tập, cai nghiện.
Theo Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai, hiện nay, người nghiện ma túy được đưa vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở phần lớn sử dụng ma túy tổng hợp, chiếm 76%, còn lại là ma túy đá. Trong số các học viên tại đây, có nhiều trường hợp bị loạn thần và đang có tiền án, tiền sự (trên 45% học viên) nên thường rất dễ manh động, gây khó khăn trong công tác quản lý, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Trong khi lực lượng cán bộ trực tiếp quản lý học viên rất mỏng, trung bình 1 cán bộ phải quản lý 21 học viên. Vì vậy tại cơ sở luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường.
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai cho biết, nhận thấy những nguy hiểm có thể xảy ra nên cơ sở luôn chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hoạt động cai nghiện được thực hiện theo đúng quy trình bài bản ngay từ khâu tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện đến khâu tổ chức điều trị, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe... Để đảm bảo tính nghiêm khắc, kỷ luật, cơ sở xây dựng nội quy, quy chế nghiêm ngặt. Chế độ khen thưởng, xử phạt rõ ràng, các học viên vi phạm nội quy đều có chế tài xử lý nghiêm nhằm răn đe, giáo dục chung, từ đó hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, cơ sở còn tổ chức các hoạt động trị liệu, tư vấn; phổ biến, giáo dục pháp luật; dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, nâng cao trình độ nhận thức; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, xã hội cho học viên; đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động; quản lý, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự tại cơ sở.
Trong thời gian tới, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, giáo dục, chuyển đổi hành vi, nhân cách cho học viên nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp học viên đánh nhau, bỏ trốn, tự hủy hoại thân thể…, không để xảy ra hiện tượng chèn ép, cưỡng bức giữa học viên. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trong, ngoài cơ sở; phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai, Công an huyện Xuân Lộc, lực lượng chức năng các xã lân cận để hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.