Dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam triển khai tại 7 tỉnh, thành phố ven biển dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu gồm: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.
Với tổng ngân sách 42 triệu USD do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ cùng nguồn vốn đối ứng của Việt Nam, dự án thực hiện trong 7 năm, từ 2017 - 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Dự án là minh chứng rõ ràng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Sau 7 năm, dự án đã hỗ trợ xây dựng 4.966 ngôi nhà an toàn, mang lại nơi ở vững chắc cho hơn 25.000 người dân tại các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ; 4.028 ha rừng ngập mặn được tái sinh, trở thành những "lá chắn tự nhiên" bảo vệ cộng đồng trước triều cường và bão biển.
Theo tính toán, các khu rừng đã hấp thụ hơn 1,1 triệu tấn CO2, góp phần tích cực vào cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, người dân vùng dự cũng được hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế bền vững.
Trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai, dự án đã thiết lập hệ thống cảnh báo sớm tại 24 xã có nguy cơ cao, tổ chức đào tạo cho hơn 62.000 cán bộ và người dân, trong đó gần 50% là phụ nữ. Những chương trình này đã góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng trong ứng phó với thiên tai, giúp giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống khẩn cấp.
Hiệu quả của dự án còn từ việc đóng góp xây dựng 10 văn bản chính sách của Chính phủ và các Bộ liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Vũ Thái Trường, Trưởng phòng Môi trường và Biến đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, bài học kinh nghiệm từ hợp phần nhà an toàn của dự án được tích hợp vào Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, một số đề xuất được đưa vào Chương trình "Bảo vệ và phát triển rừng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ; Quyết định số 553/QĐ-Ttg về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Dự án cũng hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường tích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chiến lược và kế hoạch quốc gia, từ đó ban hành Thông tư 06/2023/TT-BTNMT ngày 23/07/2023 về nội dung này; hỗ trợ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và tài liệu học trực tuyến để tích hợp giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thành công của dự án đến từ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương và người dân. Điển hình tại Cà Mau, dù tham gia hợp phần nhà an toàn chỉ trong hơn 2 năm nhưng tỉnh đã xây hơn 400 căn nhà an toàn. Những vướng mắc pháp lý về đất đai, cơ quan mặt trận của địa phương đã tổ chức xác nhận với người dân xung quanh về việc đất không có tranh chấp, chính quyền cơ sở đứng ra làm các thủ tục cần thiết và người thân, cộng đồng góp công, góp của để xây nhà cho hộ nghèo.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, dự án kết thúc nhưng cộng đồng ven biển Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Việc tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng hoàn toàn có thể đạt được thông qua nỗ lực hợp tác của các bên liên quan. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng những cộng đồng bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Từ kết quả dự án, thời gian tới, các bên liên quan sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình quốc gia về quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng, hỗ trợ khai thác tối đa các cơ sở dữ liệu và phần mềm do dự án phát triển. Đồng thời, mở rộng liên kết giữa hệ thống cảnh báo sớm gồm 24 trạm/7 tỉnh, thành phố với mạng lưới cảnh báo sớm quốc gia. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nền tảng cho ngành bảo hiểm tham gia vào các sản phẩm liên quan tới rủi ro của ngành nông nghiệp.