Cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam bao gồm các thông tin: loài cây, địa điểm, quy trình trồng, đặc tính sinh trưởng phát triển, cách chăm sóc, quản lý cụ thể trong điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương. Ứng dụng này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá hiện trạng phân bố cây xanh; xác định các khu vực, địa điểm trồng cây cụ thể; giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển sau khi trồng; kết nối các địa chỉ cung cấp nguồn cây, quỹ đất trồng cây. Bản đồ số này cũng sẽ xác định được các khu vực xung yếu cần phục hồi hệ sinh thái, yêu cầu phòng hộ, ngăn chặn xâm nhập mặn, chống sa mạc hóa…; phục vụ sử dụng để công bố bản đồ quy hoạch hạ tầng cây xanh và chỉ tiêu hạ tầng xanh của địa phương.
Bản đồ cây Việt Nam sẽ thu thập và xử lý dữ liệu lớn về cây xanh, tạo nên kho dữ liệu lớn về cây xanh ở Việt Nam. Toàn bộ các thông tin về loại cây, ngày trồng, đơn vị triển khai, đơn vị đóng góp, sản lượng khai thác… sẽ được thu thập và cập nhật liên tục trên hệ thống xử lý dữ liệu của bản đồ cây Treemap.vn.
Quy trình trồng và chăm sóc số hóa cây xanh khép kín, toàn bộ các chiến dịch trồng cây, chăm sóc hệ thống cây xanh trên phạm vi cả nước và từng địa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý sẽ được cập nhật thông tin, hiện trạng thường xuyên để mọi cây trồng mới đều được cập nhật thời gian thực trên hệ thống cơ sở dữ liệu lớn.
Bản đồ cây Treemap.vn sẽ có hệ thống tài khoản phân quyền để từng tổ chức, địa phương, cơ quan quản lý chuyên trách có thể đồng giám sát hiện trạng (số cây bị chặt phá, hỏa hoạn, sống tố, đang ra quả và thu hoạch…), từ đó đưa ra các quyết định điều phối hiệu quả và đồng bộ.
Để bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng hiện đại và hiệu quả, mạng lưới các loài cây quý, đặc biệt là hệ thống cây cổ thụ cần bảo tồn đặc biệt sẽ được gắn series mã hóa trên bản đồ cây Treemap.vn. Việc đó đã tối ưu hiệu quả về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các khu vực cần bảo tồn không quản lý và giám sát được bằng nhân lực.
Toàn bộ các chiến dịch, sự kiện trồng cây theo hướng xã hội hóa sẽ được cập nhật thường xuyên trên bản đồ cây Treemap.vn, góp phần quan trọng truyền thông và định hướng cộng đồng bảo vệ môi trường, phát động và lan tỏa sâu rộng các phong trào trồng cây và bảo vệ môi trường.
Nhằm chủ động triển khai công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 và phấn đấu đạt mục tiêu cả nước chung sức, đồng lòng trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.
Chỉ thị nêu rõ cần có kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp... Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường thực hiện các chương trình trồng mới cây xanh để hiện thực hóa mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong vòng 5 năm, nhiều giải pháp sẽ được thực hiện, trong đó chú ý nâng cao ý thức cho mọi người dân.
Riêng năm 2021, theo kế hoạch cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020 và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020. Các cơ quan chức năng chú trọng các giải pháp tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng. Công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng.