Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội chủ trì hội thảo. Tham gia hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, một số đại biểu Quốc hội, đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi về nội dung bổ sung, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến cai nghiện ma túy; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai tại một số địa phương. Các tham luận đều nhất trí về tầm quan trọng của công tác hoàn thiện pháp luật, chính sách pháp luật liên quan đến đến công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là các quy định, cơ chế khuyến khích cai nghiện tự nguyện và cai nghiện tại cộng đồng.
Theo Trung tá Hoàng Văn Hiều, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy nói chung, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy nói riêng là đòi hỏi khách quan. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp.
Từ 2014-2019, cả nước xảy ra 41 vụ, 42 đối tượng, 65 nạn nhân bị giết trong các vụ án do đối tượng sử dụng ma túy (ngáo đá) gây ra; có 5.177 vụ, hơn 32 nghìn đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy tại vũ trường, quán bar, karaoke…, hơn 7 nghìn vụ với trên 18 nghìn đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có hành vi phạm tội hình sự như cướp, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, cố ý gây thương tích…
Đại diện Bộ Công an cho rằng, thực tế cho thấy mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mang tính nhân đạo và hiệu quả cao nhưng đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp đầu tư về nguồn lực tài chính, nhân lực. Các văn bản, chính sách pháp luật về lĩnh vực này cần đảm bảo tính thống nhất. Trong đó, quy định hình thức cai nghiện bắt buộc phải tuân theo quy trình ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; ưu tiên xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; ưu tiên các nhà đầu tư trong lĩnh vực này…
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp cho rằng: Hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong quy định về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giữa các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó có những khác biệt trong quy định liên quan đến đối tượng nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và đủ 18 tuổi hay quy định nơi cư trú của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy vừa không phù hợp, không hiệu quả, gây tốn kém tài chính và thời gian, thậm chí còn gia tăng tình trạng kỳ thị, xa lánh đối tượng nghiện, gia tăng nguy cơ tội phạm tại cộng đồng. Vì vậy, có thể nghiên cứu loại bỏ đối tượng nghiện ma túy ra khỏi đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay bằng các biện pháp cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hay đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đánh giá cao Việt Nam đã tích cực tham gia và triển khai một số chính sách pháp luật, tiêu chuẩn pháp lý quốc tế liên quan đến ma túy, bà Marie Odile Emond, Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng, chống AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNAIDS) khuyến nghị: Việt Nam cần luật hóa các quan điểm đã được quốc tế và Việt Nam công nhận.
Tình trạng lệ thuộc vào ma túy là một vấn đề sức khỏe và người lệ thuộc ma túy là người mắc bệnh mãn tính về não bộ, cần được điều trị lâu dài với các can thiệp toàn diện, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tâm lý và hỗ trợ xã hội. Việt Nam cũng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống ma túy sửa đổi để quy định cả dự phòng và điều trị rối loạn do sử dụng ma túy, bao gồm các can thiệp giảm tác hại liên quan đến sử dụng ma túy…
Trong khi đó, bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) bày tỏ sự đồng tình với đại diện Bộ Công an về vấn đề can thiệp sớm trong cai nghiện ma túy, giúp giảm bớt số người nghiện, phù hợp với hướng dẫn của Liên hợp quốc về công tác dự phòng cho người sử dụng ma túy. Tuy nhiên, ngành chức năng cần nghiên cứu chính sách áp dụng các biện pháp chuyên môn chứ không phải biện pháp hành chính vốn không hiệu quả, hạn chế.
Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, cả Bộ Công an và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đều khuyến khích cai nghiện tự nguyện và cai nghiện cộng đồng nên Luật phòng, chống ma túy sửa đổi cần có quy định rõ vấn đề đầu tư cho các hoạt động này. Hiện nay, do nhiều lý do mà khi chưa thể bỏ ngay được các cơ sở cai nghiện bắt buộc, việc áp dụng cai nghiện bắt buộc cần có những điều kiện chặt chẽ, phù hợp. Bên cạnh đó, cần quy định các điều kiện kỹ thuật, chuyên môn nghiêm ngặt hơn với các cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc.
Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, Hội thảo là một diễn đàn cung cấp thông tin cho các đại biểu dân cử; chia sẻ ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với công tác xây dựng chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy. Văn bản Dự thảo Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung cần tập trung vào giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn như xác định tình trạng nghiện, vấn đề xác định nơi cư trú, công tác quản lý sau cai nghiện…
Bên cạnh đó, theo ông Đặng Thuần Phong, việc xây dựng chính sách pháp luật trong lĩnh vực cai nghiện ma túy cần thể chế các chính sách hướng tới việc giảm cung-giảm cầu-giảm tác hại của ma túy. Trong đó, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong mỗi yêu cầu như lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan làm nhiệm vụ chính trong việc “giảm cung”; công tác tuyên truyền, truyền thông là hàng đầu để giảm cầu… Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần thống nhất trong xây dựng chính sách cho lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy, các cơ quan quản lý sau cai nghiện, các tổ chức xã hội đồng đẳng…
Theo chương trình dự kiến, ngày 26/6, Hội thảo sẽ tiếp tục với các nội dung liên quan đến công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.