Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Ủy viên Thường trực Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 701 chủ trì Hội thảo. Tham dự có Đại tá, Tiến sĩ Thân Thành Công, Chánh Văn phòng 701; đại diện một số đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng và đại diện nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội thảo nhằm xác định những định hướng, tiêu chí phục vụ quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả, lựa chọn công nghệ thực hiện các dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; kiến nghị việc hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về quản lý, đánh giá, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xử lý chất độc hóa học/dioxin; xác định biện pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Ngô Văn Giao khẳng định, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề cấp bách, đã, đang được Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam quan tâm giải quyết nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, phục vụ cho phát triển đất nước. Đây là vấn đề có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, là vấn đề liên ngành, có tính chất quốc tế cần được phối hợp chặt chẽ để giải quyết một cách khoa học, bài bản, đạt hiệu quả thiết thực.
Những năm qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương, cùng sự hợp tác của một số nước, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đến sức khỏe con người, thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, chống lan tỏa, tổ chức xử lý và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thẩm định, giám sát, đánh giá hiệu quả công tác xử lý chất độc hóa học/dioxin. Nguyên nhân của những khó khăn này là do Việt Nam chưa làm chủ được nhiều công nghệ. Hệ thống các quy định pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về lĩnh vực này còn thiếu, chưa đồng bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có lúc chưa chặt chẽ. Theo Thiếu tướng Ngô Văn Giao, những hạn chế này cần được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thông tin tại Hội thảo, Đại tá Thân Thành Công cho biết, trong chiến tranh tại Việt Nam đã có khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ bị phun rải. Bản đồ phun rải phân bố rộng, song tồn lưu hiện nay chủ yếu tập trung ở khu vực các sân bay: Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hòa; trong đó khu vực sân bay Biên Hòa có nồng độ ô nhiễm cao nhất, với khối lượng đất nhiễm lên tới 515.000 m3. Hơn hai triệu héc-ta rừng đã bị tác động ở nhiều mức khác nhau, gây thiệt hại tức thời hơn 90 triệu m3 gỗ, 150.000 ha rừng ngập mặn ở Nam bộ và nhiều hệ sinh thái rừng phong phú ở miền Nam Việt Nam bị ảnh hưởng. Cùng với ô nhiễm môi trường nước, tồn lưu chất độc hóa học còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người trong vùng bị ô nhiễm, với nguy cơ gây nên 17 nhóm bệnh và các dị dạng, dị tật bẩm sinh. Do đó, yêu cầu xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin là vấn đề có tính chất cấp thiết.
Đề xuất lựa chọn phương án công nghệ xử lý dioxin, định hướng áp dụng tại sân bay Biên Hòa, Đại tá, Tiến sĩ Tô Văn Thiệp (Viện Khoa học công nghệ Quân sự) cho rằng, các phương án có thể áp dụng là cô lập toàn bộ, triển khai bãi cô lập, chôn lấp, hóa rắn/ổn định vật liệu; xử lý toàn bộ thông qua khử hấp thu nhiệt (TCH) ngoài hiện trường, phân hủy hóa cơ (nghiền bi) - MCD và sử dụng lò đốt…
Theo đại diện Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trường, cơ sở khoa học để thực hiện giám sát xử lý dioxin dựa trên giám sát thi công, giám sát công nghệ. Công tác giám sát được xác định trên cơ sở thực hiện 12 nội dung như: Giám sát chất lượng, số lượng, chủng loại một số vật liệu, vật tư, thiết bị phục vụ quá trình thi công dự án; giám sát nguồn gốc, xuất xứ, thông số kỹ thuật, chứng nhận thiết bị; giám sát lắp đặt, vận hành thử và thông số kỹ thuật hệ thống thiết bị công nghệ; giám sát đầu vào, đầu ra quá trình công nghệ và tác động quá trình vận hành công nghệ…