Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc- Bài 5:

Vượt Trường Sơn tìm kiến thức mới

"Đi bộ dài ngày để vượt qua những dãy núi Trường Sơn sừng sững; bữa ăn chỉ có cơm và muối hoặc các loại lương khô… Đó là những kỷ niệm không bao giờ phai đối với ông Nguyễn Mười, một cựu học sinh miền Nam trong những ngày đầu rời quê hương ra miền Bắc học tập.

 

Ông Nguyễn Mười (ngoài cùng bên phải) trong một lần về thăm trường HSMN Đông Triều. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Là một trong số những thiếu niên miền Nam may mắn được chọn ra Bắc học tập, cậu thiếu niên 14 tuổi Nguyễn Mười, quê ở Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng không nghĩ rằng chặng đường đi học của mình lại gian nan đến vậy. Giờ nhớ lại những khoảng khắc đó, ông Mười vẫn còn thấy ngạc nhiên, không hiểu sức mạnh nào đã giúp những cô cậu học trò có thể vượt qua được chặng đường dài gian khó với những dốc núi sừng sừng của dãy Trường Sơn.


Ông Mười nhớ lại: “Năm 1968, tôi được ra Bắc học; cùng đi với tôi năm đó còn có rất nhiều con em ở các tỉnh khác trong miền Nam. Để tránh sự “nhòm ngó” của địch, nhiều học sinh miền Nam (HSMN) đã phải đi bộ, vượt đường rừng núi rất nguy hiểm để ra Bắc. Chúng tôi thường đi từ từ sáng đến tối, vượt hết núi này lại tới núi khác nên sau đó cũng chẳng nhớ được mình đã vượt qua được bao nhiêu quả núi. Hồi đó, tại mỗi trạm dừng chân, chúng tôi được các chú bộ đội cho ăn sáng; hôm sau mỗi người nhận được một nắm cơm với thức ăn chủ yếu là muối để ăn bữa trưa…”.


Theo ông Mười, trong những ngày vượt Trường Sơn không quên ấy, cũng nhờ kinh nghiệm, cảnh giác những cô chú giao liên, cán bộ dẫn đường… nên đoàn học sinh miền Nam của ông Nguyễn Mười mới có thể an toàn đặt chân lên đất Bắc.


Ông Nguyễn Mười, cựu HSMN tốt nghiệp lớp 10 năm 1974, sau đó ông được đi học Đại học tại Tiệp Khắc. Ông đang làm việc cho Công ty cổ phần tổ hợp chuyển giao công nghệ.

“Hôm ấy, khoảng 3 - 4 giờ sáng, một nhóm trong đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành, nhưng bỗng nhiên, mấy cô chú dẫn đường phía trước yêu cầu cả nhóm không được đi nữa mà phải nằm im. Cả đoàn vừa mới nằm xuống thì thấy cách đó khoảng vài chục mét, một toán lính Mỹ - Ngụy cũng bắt đầu đi tới. Mà không chỉ có một lần “đối đầu” nguy hiểm ấy, chúng tôi còn phải cẩn thận từng bước, chú ý hướng dẫn của các cô, các chú để tránh mìn… ”, ông Nguyễn Mười tâm sự.


Mất khoảng 4 tháng ròng rã, ông Nguyễn Mười và những HSMN trong đoàn mới kết thúc chuyến đi vượt Trường Sơn ra Bắc. Sau khi nghỉ ngơi, an dưỡng tại khu sơ tán Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Tây cũ, đến giữa năm 1969, ông Nguyễn Mười được chuyển về học trường HSMN số 1 Đông Triều, sau đó là trường HSMN Phụ Dực, Thái Bình rồi lại trở về trường Đông Triều. Thời gian học tập tại trường HSMN đã để cho ông Nguyễn Mười rất nhiều ấn tượng tốt đẹp, đặc biệt là tình cảm của nhân dân miền Bắc dành cho HSMN.


“Tại các trường HSMN, chúng tôi thường được tiêu chuẩn ăn nhiều hơn so với học sinh bình thường tại miền Bắc vào lúc bấy giờ. Nhiều lúc nghịch ngợm, chúng tôi đã chui vào ruộng của người dân gần trường để lấy khoai, sắn. Tuy nhiên , khi bị “bắt quả tang”, người dân đã nhẹ nhàng dẫn chúng tôi về trường và còn dặn dò thầy, cô giáo không được trách phạt nặng học sinh. Nhờ có thầy cô giáo thương yêu, dạy dỗ kèm cặp cộng với tình yêu thương đùm bọc của nhân dân miền Bắc mà những HSMN như chúng tôi sau này mới học tập nên người, trở thành những người có ích cho xã hội’, ông Mười chia sẻ.


Có một người bạn, cũng là HSMN, cũng đã tâm sự với ông Mười rằng: “Tại trường HSMN, các thầy, cô giáo thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu” như một thiên chức chứ không phải là một nhiệm vụ. Dù các thầy cô cũng phải xa gia đình, xa con nhỏ nhưng vẫn dành cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt; không ít người đã dành trọn cuộc đời riêng cho HSMN, khi trường giải tán, về lại quê hương sống một mình để rồi thỉnh thoảng lại mong nhớ những học trò xưa”.


Không riêng gì ông Mười, mà với những HSMN đã học tập đã sống dưới mái trường chung lịch sử ấy đều có chung một tình cảm đồng môn đặc biệt. Và như ông Mười chia sẻ: “Có một danh từ không có trong từ điển các danh từ tiếng Việt, thường được viết tắt là HSMN; có một hội không cố định trong mạng lưới các hiệp hội ở Việt Nam: Hội Học sinh miền Nam; có một đường dây liên lạc đặc biệt nối liền giữa các miền đất của bản đồ nước Việt hình chữ S: Ban liên lạc HSNM. Và cũng có một mối quan hệ thật lạ, không hề có huyết thống, không cùng thế hệ nhưng vẫn tha thiết và mãnh liệt, vì hễ nghe xưng là HSMN thì ai cũng mừng tủi, sẵn sàng thương yêu, dìu dắt và giúp đỡ nhau”.


H.Tuyết-Đ.Phương

 

Bài 6: Thắm thiết tình thầy trò

Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Mô hình giáo dục đặc biệt - Bài 4: “Món nợ ân tình” của cựu học sinh miền Nam
Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Mô hình giáo dục đặc biệt - Bài 4: “Món nợ ân tình” của cựu học sinh miền Nam

“Những học sinh miền Nam từng ra miền Bắc học tập sẽ không bao giờ quên được tình yêu thương và sự đùm bọc hết mình mà nhân dân miền Bắc đã dành cho”, cô Nguyễn Thị Nguyệt, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc chia sẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN