Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc - Mô hình giáo dục đặc biệt - Bài 4: “Món nợ ân tình” của cựu học sinh miền Nam

“Những học sinh miền Nam từng ra miền Bắc học tập sẽ không bao giờ quên được tình yêu thương và sự đùm bọc hết mình mà nhân dân miền Bắc đã dành cho”, cô Nguyễn Thị Nguyệt, cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc chia sẻ.

 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt và những kỷ niệm giai đoạn học tập trên đất Bắc.

 

Cuối năm 1954, Nguyễn Thị Nguyệt, khi đó vừa tròn 16 tuổi, theo gia đình tập kết ra Bắc và vào học ngành bóng chuyền tại trường dành cho học sinh miền Nam (HSMN) ở Hải Phòng.


"Thoạt tiên, tôi rất lo lắng về sự lạ lẫm ngôn ngữ văn hóa vùng miền, sự khác biệt trong sinh hoạt, ăn uống... Thế nhưng, cảm giác đó nhanh chóng tan biến, tôi dễ dàng cảm nhận được tình cảm chân thành và sự quan tâm đặc biệt mà người dân miền Bắc dành cho chúng tôi. Cảm giác bơ vơ nơi vùng đất lạ bởi vậy không còn hiện hữu", cô Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ.


Thời đó, tại miền Bắc, có khoảng 8 trường học dành riêng cho con em miền Nam. Tại đây, HSMN được các thầy cô chăm sóc rất tận tình, xem họ như người thân trong gia đình. Nhớ lại những năm tháng học tập tại trường HSMN ở Hải Phòng, cô Nguyệt kể: “Trường của tôi có hơn 700 học sinh miền Nam. Dù vào thời điểm đó, người dân miền Bắc sống rất cực khổ, ăn uống thiếu thốn nhưng những HSMN chúng tôi luôn có những bữa ăn ngon và những bộ quần áo đẹp, mỗi một tháng chúng tôi còn được cấp thêm 8 đồng để chi dùng”.


Cô Nguyệt chia sẻ, do phải sống xa bố mẹ, người thân nên HSMN sợ nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về. Để giúp học trò vơi đi nỗi nhớ gia đình, các thầy, cô giáo luôn cố tạo ra một cái Tết đầm ấm và thật giống phong tục Tết miền Nam như: Gói bánh tét, làm những bông hoa mai giả... “Không chỉ nhận được sự quan tâm của thầy cô giáo, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân miền Bắc. Tết đến, họ thường đến thăm hỏi, tặng chúng tôi rất nhiều quà, trong đó có những bộ quần áo đẹp. Chúng tôi rất cảm động vì biết rằng điều kiện của người dân miền Bắc khi ấy cũng còn nhiều khó khăn", cô Nguyệt chia sẻ thêm.


Lật cuốn sổ lưu giữ rất nhiều hình ảnh thời gian học ở trường HSMN, cô Nguyệt kể về những lần cùng đội tuyển bóng chuyền của trường đi thi đấu và “rinh” về rất nhiều giải. “Nhờ ra ngoài Bắc học tập mà tôi từ một người ốm yếu, thường xuyên bị cơn sốt rét rừng ở miền Nam hoành hành, đã trở thành một người khỏe mạnh và còn trở thành vận động viên bóng chuyền”, cô Nguyệt cho biết.


Rồi bất chợt dừng lại ở tấm ảnh Bác Hồ đến thăm trường HSMN ở Hải Phòng, cô Nguyệt nhớ lại: “Khoảng cuối năm 1959, sau khi nhà trường tập trung học sinh dưới sân trường xong, chúng tôi mới biết tin Bác Hồ đến thăm. Vì là thành viên trong đội Sao Đỏ nên tôi được vinh dự ra đón Bác cùng với nhiều cán bộ, thầy cô trong trường, tôi rất hồi hộp vì đây là lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Trong buổi gặp mặt đó, Bác đã ân cần thăm hỏi tình hình học tập, sinh sống của chúng tôi, động viên chúng tôi cố gắng học tập thật chuyên cần. Hình ảnh gần gũi, giản dị, ân cần của Bác đã để lại trong tôi niềm ngưỡng mộ và kính yêu vô bờ. Từ đó, tôi đã có ý định tìm hiểu cuộc đời hoạt động cách mạng; đặc biệt, luôn ghi nhớ và cố gắng làm lời dạy của Bác Hồ”.


"Tôi không biết đền đáp tình cảm của Bác đối với HSMN như thế nào cho hết, nên chỉ biết đi tìm những hình ảnh của Bác, tập hợp lại rồi sau này gửi cho Bảo tàng. Đến nay tôi đã có 400 cuốn sách, hàng nghìn bài báo và khoảng 2.000 tấm ảnh về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ", cô Nguyệt chia sẻ.


Hiện nay, dù đã bước qua tuổi 75 nhưng những kỷ niệm về những tháng ngày học tập tại trường HSMN trên đất Bắc vẫn in đậm trong tâm trí cô Nguyễn Thị Nguyệt. Đặc biệt, cô Nguyệt vẫn đau đáu về món nợ ân tình với người dân miền Bắc. Cô Nguyệt khẳng định: “Nếu không được nhân dân miền Bắc bao bọc, che chở thì có lẽ chúng tôi sẽ không có được những ngày tháng như hôm nay. Đó là một món nợ rất lớn mà không biết đến khi nào những HSMN chúng tôi có thể trả hết được”.

 

Sau khi tốt nghiệp trường HSMN tại Hải Phòng, Nguyễn Thị Nguyệt được cử sang Liên Xô học khoa Sư phạm thể chất, rồi về nước công tác ở Tổng cục TDTT. Năm 1966, bà làm huấn luyện viên môn bóng chuyền cho ngành văn hóa, thể thao ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Từ năm 1969 - 1973, bà dạy bộ môn bóng chuyền tại Trường Kỹ thuật Trung ương, sau đó về công tác ở Vụ Thể thao nâng cao và Vụ Đào tạo cán bộ. Sau khi miền Nam giải phóng, bà chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh và nghỉ hưu năm 1996.


Bài và ảnh: H.Tuyết - Đ.Phương

 

Kỳ 5: Vượt Trường Sơn tìm kiến thức mới


Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc-Kỳ 3: Giáo viên gần gũi  như cha mẹ
Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc-Kỳ 3: Giáo viên gần gũi như cha mẹ

Có thể nói, sự trưởng thành của những học sinh miền Nam trên đất Bắc ngày nay không thể không nhắc tới sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của những người thầy cô giáo... Một trong những người thầy có ảnh hưởng lớn tới các em học sinh, được các em coi như cha, mẹ khi ấy là thầy giáo Nguyễn Việt Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN