Vượt khó tác nghiệp vùng biên viễn

Tác nghiệp ở các tỉnh biên giới, phóng viên thường trú TTXVN bên cạnh việc say nghiệp viết còn phải có tinh thần vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Vào tâm “bão”

Đã hơn 15 năm, nhà báo Chu Quốc Hùng, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Điện Biên nhận nhiệm vụ phóng viên thường trú ở hai tỉnh miền núi khó khăn nhất cả nước là Lai Châu và Điện Biên. Đối với anh, đây là quỹ thời gian được trải nghiệm thực tế gian khó, đầy ắp kỷ niệm vui buồn.

Nhà báo Chu Quốc Hùng nhớ mãi chuyến công tác đầu tiên lên huyện mới Nậm Pồ (Điện Biên). Mùa mưa năm 2013, anh nhận được tin báo tại địa phương này có trái núi bỗng dưng nứt toác, đang sạt lở, có nguy cơ hàng chục ngàn mét khối đất đá sẽ vùi lấp bản Pác A1 và ngôi trường học ở xã Na Cô Sa của huyện Nậm Pồ. Lòng nóng như lửa đốt, anh vơ vội bộ quần áo, máy móc phương tiện tác nghiệp rồi ngay trong chiều phóng xe máy vào địa bàn, dù biết không thể đến kịp trước khi trời tối.

Phóng viên Quang Duy tác nghiệp tại điểm lũ quét ở huyện Tam Đường (Lai Châu) năm 2014.

“Con ngựa sắt” Win100 cũ kỹ của Chu Quốc Hùng vượt quãng đường khoảng 140 km vào trung tâm huyện Nậm Pồ khi trời đổ mưa tầm tã. Đến ngã ba rẽ vào huyện, anh mắm môi lấy lại tinh thần để vượt 40 km đường khó khăn nhất thì bỗng nhiên tay lái chao đảo. Thì ra phía dưới vũng nước đục ngầu, có tảng đá “nằm phục kích”. Cú ngã như trời giáng khiến anh gần như bất tỉnh, nằm vật xuống đường, chiếc xe đè lên người.

Nghe tiếng người lao xao, rồi 2 vợ chồng người Mông sống trong căn nhà gần đó ra nâng xe và người anh dậy, dìu vào nhà. Đầu gối trái rách và sưng tấy, cả người xây xát, chiếc xe máy gẫy cả tay phanh và đèn pha. Khi biết anh Hùng là nhà báo đi làm nhiệm vụ, họ đã lấy tất cả những gì có thể trong nhà để băng bó, cầm máu. Hai con người tốt bụng đó đã cố giữ anh ở lại, nhưng nghe anh nói phải vào trong huyện ngay hôm nay, họ thở dài. Anh chồng lục đồ, tháo phụ tùng trên chiếc xe cùng loại của mình để lắp sang xe của Chu Quốc Hùng, dặn dò: “Trời tối rồi, mày đi không có đèn, không có phanh, không đi nổi trên đường này đâu. Mày còn ngã nhiều nữa đấy, cầm ít thuốc lào đi để buộc chỗ đau nhé”.

Quả đúng như lời anh tốt bụng người dân tộc nói, để vào được đến nơi, Chu Quốc Hùng ngã thêm… 5 lần nữa. Con đường đất này, các xe tải gầm cao, máy công trình chạy qua tạo thành 2 vệt bánh xe sâu hoắm, ngập đầy bùn từ bao giờ. Chỉ còn chiếc “sống trâu” rộng chưa đầy 1 mét trơn ở giữa là xe máy có thể chạy được. Anh chạy trong đêm, ánh đèn pha chập chờn nên không nhìn rõ, nên thỉ thoảng lại phải phanh dúi dụi vì các rãnh nước cắt ngang đường. Lần đầu theo thói quen, anh thò chân xuống chống, cả người và xe bỗng nhiên đổ ụp xuống rãnh bùn, vì làm gì có chỗ để đặt chân, 2 bên đều là rãnh sâu đến 30 - 40 cm. Hì hục mãi anh mới dựng được xe lên vì chiếc đầu gối đau muốn ứa nước mắt, gột bùn trên mặt rồi chạy tiếp.

“Tôi có mặt tại khu trụ sở huyện Nậm Pồ khi đã về khuya. Sự vất vả không uổng công, ngày hôm sau xuống hiện trường, tôi trở thành phóng viên đầu tiên thông tin đầy đủ vụ nứt núi - lở đất nghiêm trọng bằng đủ 3 loại hình thông tin. Chỉ khổ cho chiếc đầu gối, chưa kịp lành thì đã phải leo núi, bây giờ vẫn còn đau mỗi khi trở trời, nhưng tôi vẫn cứ đi…”, nhà báo Chu Quốc Hùng cho biết.

Ngồi trong mâm cơm gia đình, thưởng thức những món ngon Tây Bắc do chính tay bà xã trổ tài, anh Hùng nói: “Mình đang xin cơ quan đi địa bàn vùng khó khăn nào đó nữa để trải nghiệm và khám phá thêm những chân trời mới lạ, cuộc đời làm báo sẽ thú vị hơn…”.

Dấn thân

Nguyễn Quang Duy, 28 tuổi, quê ở Lạng Sơn, mới bước vào nghề phóng viên đã được cơ quan Thông tấn xã Việt Nam cử đi thường trú tại tỉnh khó khăn Lai Châu. Theo Duy, thời gian thường trú là cơ hội để cảm nhận công việc cũng như cuộc sống và con người đồng bào dân tộc nơi đây. Tuy mới gần 5 năm tuổi nghề, nhưng Quang Duy đã xông xáo, lăn xả để viết về nhiều đề tài gai góc. Ấn tượng nhất đối với anh vẫn là chuyến xâm nhập vùng lâm tặc “xẻ thịt” rừng Hoàng Liên.

Nhà báo Chu Quốc Hùng (bên phải) đang ngược suối để vào vùng lũ ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) tác nghiệp.

Quang Duy kể: “Tháng 12/2014, những ngày cuối năm ở vùng đất Tây Bắc rét đến tê người. Sáng sớm, anh em phóng viên chúng tôi nhận được tin người dân nườm nượp vào rừng Quốc gia Hoàng Liên để xẻ gỗ ở khu vực bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu). Ngay lập tức, chúng tôi lên đường. Đến nơi nguồn tin cung cấp cho báo chí, họ không ngại ngần đưa chúng tôi đi “mục sở thị” gỗ được vận chuyển ra sao”.

Theo chân Trưởng bản, đoàn phóng viên lần theo những vệt dài do gỗ tạo ra trên đường mòn dựng ngược nối từ phía sau bản Hua Than. Con đường này “cắm” thẳng vào cánh rừng gỗ quý Hoàng Liên Sơn. Đi khoảng hơn một tiếng đồng hồ, đoàn phóng viên bắt gặp khoảng chục người đang vác những tấm gỗ to và khá nặng. Thấy bóng người lạ, họ ngập ngừng dựng lại. Một thanh niên tách tốp, tiến gần như dò xét điều gì. “Đi lấy gỗ về làm nhà thôi, không phải khai thác để bán đâu”, người thanh niên nói thế.

Thấy không có vấn đề gì quá nghiêm trọng, người này ra hiệu cho toán người phía sau tiếp tục hành trình đưa gỗ ra. Qua quan sát, rất nhiều tấm gỗ có chiều dài trên dưới 2 m, rộng từ 40 - 50 cm, một số thanh niên còn vác cả cưa máy, mang tư trang và súng kíp. Các phóng viên gặng hỏi tên tuổi và địa chỉ nhưng đều nhận những cái lắc đầu. Trong vòng một tiếng đồng hồ, đã có tới 20 tấm gỗ vẫn còn thơm mùi nhựa được đưa ra khỏi rừng…

Nhận thấy có những ánh mắt “phán xét” và những cử chỉ, lời đe dọa, ông Trưởng bản Vàng nói với các phóng viên không nên tiến sâu vào thêm bởi lẽ đã bị “chim lợn” phát hiện, sẽ nguy hiểm. Hơn một tiếng đồng hồ để ra ngoài bìa rừng, một gã thanh niên với khuôn mặt gai góc, xương xẩu ngồi lọt thỏm xuống bụi cỏ rậm men đường, trong tay lăm lăm khẩu súng kíp. Thấy nhóm người đi ra, hắn to tiếng hỏi vào đây có việc gì. Bình tĩnh, Trưởng bản trả lời mọi người đi thăm nương thảo quả… Duy thở dài nói: “Ơn giời, hôm đó không có tiếng súng nổ!”.

Gặp Duy ở Hà Nội, ngồi uống ly nước trà đá vỉa hè, cậu lại vội vàng bắt xe khách về TP Lạng Sơn thăm vợ ốm. Cưới nhau được 3 năm, vợ chồng đằng đẵng xa nhau, vài tháng mới được gặp nên hiếm muộn chuyện con cái. “Vợ chồng thương nhau nhưng chỉ biết động viên và vỗ về những lúc gần gũi, để chồng yên tâm công tác”, Duy chia sẻ.
Việt Hoàng
Phóng viên TTXGP tác nghiệp tại Hòn Đất năm 1969
Phóng viên TTXGP tác nghiệp tại Hòn Đất năm 1969

Trong dịp tỉnh Kiên Giang tổng kết 40 năm thực hiện di chúc Bác Hồ; gắn với kỷ niêm 40 năm chiến thắng Hòn Đất, đồng thời khánh thành trường PTTH Nam Thái Sơn, trường trung học đầu tiên được xây dựng ở vùng rốn lũ tứ giác Long Xuyên tôi được gặp lại anh Ba (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) dưới chân Hòn Đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN