Cụ thể, để áp dụng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, chính quyền địa phương (xã, phường) nơi người có đất bị thu hồi cư trú phải xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều địa phương không có văn bản xác nhận hoặc xác nhận nhưng không đầy đủ; do đó, huyện chưa đủ cơ sở để tính đầy đủ chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.
Về điều kiện để được xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định những trường hợp “Không thuộc đối tượng hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội” thì mới được xác nhận là cá nhân, gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp; từ đó mới có cơ sở tính toán hỗ trợ.
Thực tế, tại vùng dự án, nhiều người dân cho rằng, đất của mình sử dụng đã được quy hoạch là đất nông nghiệp. Do đó khi Nhà nước thu hồi đất, việc sản xuất nông nghiệp trên phần đất này không còn ổn định. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng căn cứ vào lương thường xuyên để xác nhận gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp là bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua Đồng Nai) có gần 10 trường hợp (diện tích khoảng 11.300 m2 đất) nằm trong phạm vi dự án nhưng không nằm trong bản đồ thu hồi đất. Nguyên nhân là đất của các hộ này đã bị sạt lở. Người dân khiếu nại về vấn đề này nhưng huyện Nhơn Trạch chưa có cách giải quyết do pháp luật về đất đai không có quy định về việc lập phương án bồi thường cho phần diện tích đất đã bị sạt lở.
Ngoài ra, quá trình xét tái định cư, cơ quan chức năng gặp vướng mắc đối với các trường hợp đồng sở hữu đất nông nghiệp; nhà xây dựng không phép từ tháng 7/2014 đến tháng 5/2023 (ngày công bố thông báo thu hồi đất dự án).
Ông Nguyễn Hữu Thành chia sẻ, những vướng mắc nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua Đồng Nai). Huyện đã có văn bản kiến nghị ngành chức năng trong tỉnh hướng dẫn giải quyết các khó khăn, giúp địa phương đẩy nhanh công tác thu hồi đất phục vụ dự án.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh đã giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn, hỗ trợ huyện Nhơn Trạch xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề; điều kiện để được xác nhận trực tiếp sản xuất nông nghiệp; bồi thường phần đất đã bị sạt lở trong phạm vi dự án. Tỉnh sẽ xem xét, điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn, điều kiện giải quyết tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn; đồng thời, sớm có ý kiến để chủ đầu tư dự án tham mưu điều chỉnh chủ trương đầu tư bổ sung phần diện tích nằm trong phạm vi dự án nhưng không nằm trong bản đồ thu hồi đất, làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua Đồng Nai) có 2 dự án thành phần (gồm: Dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch - 1A và Dự án thành phần 4). Để triển khai 2 dự án này, ngành chức năng phải thu hồi khoảng 115 ha đất do gần 1.300 hộ đang sử dụng; trong đó có hàng trăm hộ cần bố trí tái định cư. Với dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch - 1A, ngành chức năng đã chi trả hơn 450 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ người dân; bàn giao gần 77% mặt bằng. Dự án thành phần 4 công tác bồi thường chưa đạt yêu cầu, mới chỉ bàn giao được 3 ha (gần 5%) mặt bằng cho chủ đầu tư.