Tết về trên khắp nẻo đường
Mỗi dịp Tết đến xuân về, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, cùng các cấp, ngành và huy động toàn xã hội chăm lo Tết cho nhân dân. Trong đó có hoạt động tổ chức thăm, tặng quà, chúc Tết gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để mọi người dân của cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình.
Phong trào “Tết Nhân ái” được kế thừa từ Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. “Tết Nhân ái” Xuân Ất Tỵ năm nay, toàn hệ thống Hội phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương, với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng. Thời gian triển khai các hoạt động của phong trào “Tết Nhân ái” 2025 bắt đầu từ ngày 7 – 26/1/2025 (tức ngày 8/12 đến ngày 27/12 âm lịch), trong đó cao điểm từ ngày 14/1/2025 – 23/1/2025 (tức ngày 15/12-24/12 âm lịch).
Đối tượng hướng tới là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong năm 2024, nhất là tại các địa phương phía Bắc chịu tác động nặng nề của bão Yagi; những nhóm dễ bị tổn thương khác (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người neo đơn,…); người không có điều kiện vui xuân, đón Tết cùng với gia đình do hoàn cảnh neo đơn, khó khăn (người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa sống tại các trung tâm nuôi dưỡng tập trung; người vô gia cư, xóm trọ lao động, xóm trọ bệnh nhân…)
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh cùng các nhà hảo tâm đã tổ chức chương trình trao tặng quà Tết "Xuân Ất Tỵ" cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chương trình đã trao tặng tổng cộng 2.500 suất quà, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ đồng.
Mỗi suất quà trị giá 600.000 đồng, bao gồm 100.000 đồng hiện vật và 500.000 đồng tiền mặt. Những phần quà này được trao tặng các hộ gia đình thuộc các địa phương như Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Tiên Yên và Móng Cái, nhằm giúp họ có thêm điều kiện để đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ trong không khí ấm cúng và trọn vẹn hơn.
Bà Đào Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh cho biết, Chương trình ‘Tết Nhân Ái’ là hoạt động thường niên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, không chỉ thể hiện sự quan tâm, sẻ chia đối với những gia đình nghèo còn góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng. Mỗi món quà không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, còn là thông điệp yêu thương và hy vọng, giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vững vàng hơn trong cuộc sống.
Những hoạt động ý nghĩa như vậy thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với những hoàn cảnh khó khăn. Những món quà trao đi, sự giúp đỡ chân thành không chỉ kéo dài niềm vui trong những ngày Xuân, mà còn là niềm hy vọng giúp người dân vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Từ những nghĩa cử cao đẹp đó, càng thêm tin tưởng vào sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tình yêu thương và sự sẻ chia trong cộng đồng, góp phần làm cho Tết thêm trọn vẹn và ý nghĩa.
Xây dựng cộng đồng nhân ái
Không chỉ dừng lại ở những hoạt động sẻ chia trong dịp Tết, hành trình chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng các cấp, ngành và cộng đồng duy trì xuyên suốt cả năm.
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, thời gian qua, các cấp Hội đã rất nỗ lực trong việc thay đổi phương thức thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, chuyển dần từ cách tiếp cận, cách tổ chức hoạt động của một tổ chức từ thiện đơn thuần sang cách làm của một tổ chức nhân đạo; thiết lập được các hoạt động can thiệp, hỗ trợ một cách bài bản hơn, đáp ứng nhu cầu của đối tượng trợ giúp; triển khai thành công các chiến dịch, phong trào nhân ái như “Tết nhân ái”, “Triệu bước chân nhân ái”. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công mô hình “Cộng đồng nhân ái”, nơi 100% người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được giúp đỡ thông qua các hình thức khác nhau. Những kết quả đạt được đã khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc và vai trò quan trọng của phong trào trong việc xây dựng cộng đồng nhân ái, minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, chung tay từ toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy các giá trị tốt đẹp trong đời sống cộng đồng.
Một điểm sáng trong các hoạt động nhân đạo của Hội là Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm thiên tai giai đoạn 2022-2027. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng cho 70.346 ngư dân, người lao động nghèo với 232 lớp được tổ chức trị giá gần 2,9 tỷ đồng (đạt trên 234 % chỉ tiêu đề ra); trao tặng hơn 27.352 lá cờ Tổ quốc và túi Sơ cấp cứu cho tàu thuyền đánh cá, trị giá gần 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ 26.166 áo phao cứu sinh đa năng cho ngư dân nghèo trên các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, trị giá trên 28 tỷ đồng. Tổng giá trị Chương trình hỗ trợ cho các địa phương gần 119 tỷ đồng, trợ giúp gần 119.000 lượt người, riêng năm 2024, hỗ trợ gần 79 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” cũng hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập cho hơn 3,5 triệu trẻ em, tổng trị giá trên 447,691 tỷ đồng; tổ chức triển khai xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch, cơm ngon”, xây mới, sửa chữa, nâng cấp, hỗ trợ đồ dùng cho 119 bếp ăn, tổng trị giá trên 29 tỷ đồng. Chương trình bước đầu đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, về chỉ tiêu đã đạt 3,5 lần số trẻ em được cài thiện về dinh dưỡng điều kiện sinh hoạt.
Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức "Tháng Nhân đạo” từ năm 2022 trở lại đây, “Tháng Nhân đạo” đã được đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ hưởng ứng, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, đoàn thể, nhân dân tạo ra phong trào "Tương thân, tương ái" rộng lớn chăm lo cho người nghèo nhất, khó khăn nhất. Tổng trị giá vận động trong “Tháng Nhân đạo” năm 2023-2024 đạt trên 1.600 tỷ đồng; vận động xây dựng và sửa chữa 1.981 căn nhà chữ thập đỏ, trị giá hơn 113 tỷ đồng; trợ giúp hơn 3 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhiều công trình nhân đạo, trị giá 444,6 tỷ đồng,...
Những hoạt động chăm lo Tết và hỗ trợ suốt cả năm dành cho những người kém may mắn không chỉ mang lại niềm vui vật chất còn thắp sáng niềm tin và hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn. Từ sự sẻ chia, đoàn kết, chúng ta cùng nhau xây dựng một cộng đồng nhân ái, nơi không ai bị bỏ lại phía sau, tạo nên một xã hội tươi đẹp và đầy yêu thương.