Vui Trung thu cùng đồ chơi dân gian

Đó là chủ đề của Tết Trung thu 2012 do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức diễn ra trong hai ngày 29-30/9 (tức 14-15 âm lịch) có sự phối hợp của UBND và Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam.


Nhiều hoạt động hấp dẫn


Từ nhiều năm nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi tái hiện rõ nét nhất những lễ hội Trung thu thuần Việt. Đã thành truyền thống, hàng năm vào dịp rằm tháng Tám, chương trình vui Tết Trung thu cho trẻ em lại được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn.


Cô Hương Thủy đang giới thiệu với các bé cách làm con giống từ đất nặn Nhật Bản.


Năm nay, ngoài những chương trình quen thuộc được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức hàng năm như kéo co, rước đèn, tô vẽ mặt nạ, làm đồ chơi bằng lá… các bạn trẻ còn được tiếp cận và tìm hiểu những đồ chơi và trò chơi truyền thống Việt Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực góp phần khích lệ bảo tồn và phát huy nghề thủ công làm đồ chơi dân gian.


Chị An Thu Trà, cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: Chương trình Tết Trung thu năm nay có nhiều nội dung phong phú, đa dạng và bổ ích dành cho những đối tượng du khách khác nhau. Những sắc thái văn hóa tới từ Hội An được thể hiện qua nhiều hoạt động trình diễn và vui chơi: Múa lân, múa thiên cẩu, chơi bài chòi, hát và dạy hát dân ca Quảng Nam, làm và trưng bày đèn lồng, nặn và trang trí con thổi, trò chơi bịt mắt đập nồi. Các món cao lầu, mỳ Quảng, bánh tráng đập cũng góp thêm dấu ấn Hội An trong chương trình Trung thu năm nay.


Trong dịp lễ hội trăng rằm 2012, du khách và các em sẽ thỏa sức trải nghiệm tới 25 trò chơi dân gian được giới thiệu và hướng dẫn chơi. Các em cùng người thân trong gia đình mình có thể tự tay làm đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, nặn tò he, tô vẽ mặt nạ, tàu thủy sắt tây…


Các bạn nhỏ có thể tham gia tìm hiểu ý nghĩa của Tết Trung thu bằng các hình thức chơi mà học, như: Nghe kể chuyện về Tết Trung thu, vẽ tranh hoặc tô màu về chủ đề Trung thu, ghép hình để tạo nên các nhân vật trong sự tích Trung thu. Thêm nữa, công chúng đến Bảo tàng Dân tộc học trong dịp này còn có cơ hội được xem múa rối nước, làm cốm và làm bánh dẻo.


Đây là những hoạt động đầy ý nghĩa trong dịp rằm tháng Tám mà Bảo tàng Dân tộc học bổ sung những nét mới về các loại hình hứa hẹn sẽ là một lễ hội thu hút công chúng, đặc biệt là các em nhỏ.


Phát huy giá trị truyền thống


Với chủ đề vui cùng đồ chơi dân gian, Ban tổ chức đã mở rộng diện tích sân chơi, tăng về số lượng các trò chơi. Đặc biệt tham dự Tết Trung thu năm nay, các em sẽ được chứng kiến tận mắt cách làm trống Trung thu, làm đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, nặn con thổi và các con giống từ đất nặn Nhật Bản…


Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mời được những thợ làng nghề làm trống Trung thu của xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và cụ Nguyễn Văn Quyền 75 tuổi ở làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội (một trong số ít người còn giữ được nghề làm đèn kéo quân) tới đây để dạy cho trẻ em cách làm những đồ chơi truyền thống.


Tái hiện nghề làm trống Trung thu.


Bà Vũ Thị Là, thợ làm trống xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cho biết: Nghề làm trống Trung thu của Liêu Xá có từ rất lâu đời. Để làm được một chiếc trống đúng cách truyền thống, khâu căng mặt trống phải được đóng bằng đinh tre, thay cho việc dập ghim sắt như trống Trung Quốc.


Bên cạnh đó việc chọn được những thân gỗ ưng ý để làm tang trống cũng rất quan trọng. Sau nhiều công đoạn như tiện, phơi, sơn gỗ, thuộc da trâu… mới có thể làm ra được một chiếc trống Trung thu ưng ý, đẹp, bền. Những năm gần đây nghề làm trống Trung thu ở Liêu Xá gặp không ít khó khăn do sản phẩm cùng loại của Trung Quốc bày bán tràn ngập trên thị trường nước ta.


Mỗi loại đồ chơi gắn với một truyền thuyết, một lịch sử hình thành, một vùng văn hóa. Đây là nét độc đáo, mang sắc thái riêng của văn hóa dân tộc. Nét văn hóa độc đáo này có sức lan tỏa đặc biệt, từ cái nôi đồ chơi truyền thống đã theo chân các nghệ nhân đến nhiều vùng trong cả nước.


Năm nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại tiếp tục mời các nghệ nhân, thợ làm trống Trung thu, làm tàu thủy sắt tây, nặn tò he, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, nặn hoa quả… giao lưu, trưng bày và hướng dẫn các em cách làm đồ chơi truyền thống. Dưới bóng những tán cây và các ngôi nhà truyền thống trong khuôn viên bảo tàng, những đồ chơi dân dã lại hiện ra, ùa về trong ký ức của bao người tạo nên dấu ấn, kỉ niệm thiêng liêng trong tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt.


Cụ Nguyễn Văn Quyền 75 tuổi đến từ làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay: Từ khi còn nhỏ, ông đã học cách làm đèn kéo quân. Với những họa tiết, hoa văn của đèn kéo quân đều do cụ Quyền tự tay làm lấy. Riêng giấy màu thì phải đi mua, còn các vật liệu tranh, tre, nứa, lá thì cụ tự tìm kiếm.


“Nếu không yêu nghề thì khó mà làm được một chiếc đèn kéo quân. Bởi để làm ra được một sản phẩm đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Trước sự mai một của những trò chơi dân gian, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mời tôi khôi phục lại nghề truyền thống” – cụ Quyền cho biết thêm.


Cũng theo cụ Quyền, để làm được một chiếc đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chẻ tre, lấy cữ, buộc dây, dán giấy… Công sức bỏ ra nhiều là thế nhưng giá trị ngày công lại không cao nên ít người theo học nghề này, từ đó dẫn đến nghề làm đèn kéo quân đang ngày càng mai một.


Tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống, hy vọng mùa Trung thu 2012 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với chủ đề "Vui cùng đồ chơi dân gian” chắc chắn hứa hẹn nhiều hấp dẫn.


Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Bánh Trung thu truyền thống... “làm cao”

Trái ngược với nỗi lo ngại sự “thắng thế” của đồ chơi hiện đại, đồ chơi ngoại nhập với những đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam, mấy năm gần đây, và “đỉnh điểm” là năm nay, bánh Trung thu truyền thống đã lên ngôi một cách vững vàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN