Bánh Trung thu truyền thống... “làm cao”

Trái ngược với nỗi lo ngại sự “thắng thế” của đồ chơi hiện đại, đồ chơi ngoại nhập với những đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam, mấy năm gần đây, và “đỉnh điểm” là năm nay, bánh Trung thu truyền thống đã lên ngôi một cách vững vàng.

 

Trong khi các thương hiệu bánh mới vẫn đang ê hề mà thưa thớt người mua, trong khi rất nhiều hãng đã bắt đầu “nhấp nhổm” bán hạ giá, thì cảnh “Bánh Trung thu... vừa thổi vừa mua” theo đúng nghĩa đen vẫn đang nườm nượp diễn ra tại các cửa hàng bán bánh Trung thu truyền thống của Hà Nội.


Phố Thụy Khuê giờ đây đã trở thành phố bán bánh Trung thu truyền thống của Hà Nội. Nổi tiếng nhất vẫn là Bảo Phương, và sau đó là bánh Tuấn Anh, nhưng ngoài ra còn có hàng chục cửa hàng bán bánh Trung thu với đủ mọi tên tuổi đã xuất hiện.


Ngoài ra, phố Hàng Đường, Hàng Lược, Hàng Cót... cũng có rất nhiều cửa hàng bày bán bánh Trung thu truyền thống, chủ yếu là bánh của hai làng nghề là Xuân Đỉnh và La Phù.


Tuy thị trường bánh Trung thu truyền thống khá nhộn nhịp, nhưng ở Hà Nội hiện nay vẫn có khoảng 5 cái tên “độc tôn” là Bảo Phương (183 Thụy Khuê), Ninh Hương (22 Hàng Điếu), Phương Soát (75 Hàng Chiếu), Bà Dần (52 Hàng Bè và 126/554 đường Trường Chinh), Gia Trịnh (16 Lý Nam Đế).

 

Bánh... nóng!


Cậu nhân viên bán hàng ở Ninh Hương vừa thoăn thoắt gói bánh cho khách, vừa liên tục dặn: “Anh, chị nhớ cầm cẩn thận, bánh còn nóng, vừa ra lò đấy”...


Cứ ngày rằm, mùng một là cửa hàng Ninh Hương 22 Hàng Điếu lại đông khách, nhưng đỉnh điểm đông đúc của cửa hàng này tất nhiên chính là rằm Trung thu. Sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo tự nhiên không chất bảo quản, với nhân bánh truyền thống ngon rất vừa vặn và cũng rất cổ xưa... đã khiến thương hiệu Ninh Hương được rất nhiều gia đình ở Hà Nội lựa chọn cho mâm cỗ trông trăng của mình.

 

Không những thế, năm nay một điều thật đáng mừng là rất nhiều người đã tới đây mua bánh Trung thu để biếu bạn bè, người thân... thay vì chọn mua những cái tên nổi danh như những năm trước. “Vẫn biết là hộp của Ninh Hương không được đẹp, và nói thật cửa hàng cũng chẳng có ý định cải tiến cho hộp cứng, đẹp, đắt tiền hơn; nhưng thương hiệu Ninh Hương thực sự đã là một “nhãn mác” cho sản phẩm rồi.


Những ngày này tới Ninh Hương sẽ chứng kiến gian hàng vốn chật hẹp càng chật hẹp hơn vì khoảng dăm chục cái khay đựng bánh được xếp chất chồng trước cửa, trong nhà. Tủ bánh thì ăm ắp các loại bánh, đủ cả nướng, dẻo, từ bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm, tới bánh nướng, bánh dẻo đậu xanh hạt dưa, rồi bánh dẻo nhân cốm đặc sản của cửa hàng nữa...

 

Giá dao động từ 35.000 đồng/chiếc bánh nướng, dẻo đậu xanh hạt dưa, bánh dẻo nhân cốm; đến 65.000 đồng/chiếc bánh nướng dẻo thập cẩm gà quay; nên trung bình một hộp bánh cũng khoảng 200.000 - 250.000 đồng; một mức giá rất vừa vặn với túi tiền người tiêu dùng. “Nhưng quan trọng hơn là vị bánh truyền thống rất ngon. Bố mẹ tôi chỉ thích bánh Ninh Hương nên năm nào tôi cũng mua biếu hai cụ. Năm nay tôi còn mua biếu mấy bạn đồng nghiệp trong TP.HCM nữa, vì năm ngoái gửi cho văn phòng trong đó thử một hộp, ai cũng nức nở khen ngon. Năm nay vừa đến Trung thu đã nhờ mua giùm gửi vào, dù trong TP.HCM cũng có nhiều thương hiệu bánh ngon nổi tiếng”, anh Minh Tuấn - người vừa đỗ xịch chiếc ô tô trước cửa hàng bánh Ninh Hương và được ưu tiên mua trước 6 hộp bánh vì... “xe chiếm chỗ quá, đi nhanh thôi”, cho biết.


Chỉ có một điều, là bánh truyền thống, không chất bảo quản, nên như bánh dẻo của Ninh Hương chỉ để được 5 ngày, bánh nướng thì lâu hơn một chút. Có nghĩa là sau khi “thổi” cho hết “nóng” ở cửa hàng bánh, thì cũng cần sớm thưởng thức ngay.

 

“Lúc nào dậy thì bán”


Có lẽ chưa lúc nào khách hàng thấy “ghét” cửa hàng bánh Bảo Phương ở phố Thụy Khuê như những ngày sát rằm Trung thu này. Phải xếp hàng mua bánh, không bán nhiều cho mỗi người, không thèm cố định giờ bán hàng...


Nhưng “ghét người” mà vẫn phải “yêu bánh”, nên cuối cùng xếp hàng cũng đành, chen chúc cũng đành, chờ đợi chầu chực cũng đành, và mua được ít cũng đành... Vẫn phải bánh Bảo Phương thôi.


Thanh Phương (phố Thụy Khuê, Hà Nội) vốn mê bánh Bảo Phương từ bé. Và giờ đây khi đã lấy chồng và chuyển đến ở tận gần Phủ Tây Hồ, nhưng đến Trung thu là Thanh Phương vẫn phải tìm về đây mua bánh. “Ghét lắm cái cửa hàng này, em đã chầu chực 5 ngày rồi mà vẫn chưa mua được bánh. Ban ngày thì phải đi làm, tối đến thì đông xếp vòng trong, vòng ngoài, thậm chí sáng sớm ra đã có người xếp hàng. Vì thời gian eo hẹp nên đành hỏi xem sáng sớm thì mấy giờ họ mở cửa để đến mua bánh cho khỏi đông, thế mà nhân viên ở đây trả lời luôn: “Chả biết giờ nào, cứ lúc nào ngủ dậy thì bán!”. Nhưng nói ghét là ghét thế thôi, chứ bao nhiêu năm vẫn chưa bỏ được cửa hàng này, có lẽ vì nghiện cái vị bánh truyền thống ở đây” - Thanh Phương cho biết.


Cũng cùng chung cảnh ngộ “nghiện” bánh Bảo Phương như Thanh Phương, nên 6 giờ sáng qua, chị Chính đã phải cùng cô em dâu lên 183 Thụy Khuê mua bánh. Đến sớm tinh mơ như vậy nhưng đã có cả dẫy người, cả già, cả trẻ, cả nam, cả nữ... đang đứng xếp hàng chờ cửa hàng mở. Và thế là cũng tới 7 giờ 30, hai chị em mới mua được bánh, mà cũng chỉ mỗi người 4 hộp, vì “mua thế thôi, để dành cho người khác còn mua”.


Đến với Bảo Phương những ngày này cũng không có nhiều sự lựa chọn, có bánh nào mua bánh ấy, có loại bao nhiêu tiền lấy loại ấy; tức là cửa hàng đưa hộp, phát giá, và người mua trả tiền. “Thì ngay từ sáng sớm đã thấy đề biển hết bánh loại 20.000 đồng, 30.000 đồng, chỉ còn loại 50.000 đồng. Thế nên phải mua bánh 50.000 đồng, nhưng còn may là mua được đấy” - bác Hoàng Lan (Quan Nhân) hỉ hả với 2 hộp bánh vừa mua được cho biết.

 

A.A

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN