Vui buồn nghề thợ giày da

“Thợ giày da chúng em quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối với đường kim, mũi chỉ, thức khuya dậy sớm, thời gian đâu mà đi chơi, giao lưu văn hóa. Một năm có 365 ngày, thì có 300 ngày tăng ca và 65 ngày không có việc làm. Nhiều người đã 40 tuổi mà vẫn cô đơn. Em cũng thế”, mở đầu câu chuyện, chị Nguyễn Thị Huyền quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, cán bộ phụ trách quản lý nhân sự hành chính, sản xuất khâu Thành hình, Xí nghiệp Giày da Khu công nghiệp Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu tâm sự với tôi như thế.

Đời sống khó khăn

Ở thành phố Vũng Tàu, có gần 20 ngàn công nhân các loại, làm ở các xí nghiệp may xuất khẩu của các công ty nước ngoài như Khu công nghiệp Đông xuyên, Công ty May Hicosen Cara, Công ty Thêu ren Thịnh Phát, Đông lạnh Đông Đông Hải, Hải Việt, Uy Việt, công ty cổ phần Mạnh Hà, các xí nghiệp tư nhân… nhưng công nhân nữ làm giày da ở 2 công ty trách nhiệm hữu hạn Xí nghiệp Giày da Uy Việt và Đông lạnh Hải việt là nhiều nhất.

Ngoài thời gian làm việc ở xí nghiệp, người công nhân này còn nhận hàng gia công về nhà may để kiếm thêm thu nhập.


Họ đến từ nhiều tỉnh khác nhau, nhưng chủ yếu là các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với tỷ lệ 95% là nữ. Công việc của họ ngồi trên ghế may công nghiệp bằng máy, tưởng như nhàn hạ, song thực tế rất khó nhọc. Một ngày mới bắt đầu với lịch thời gian siết chặt: 6 giờ 30 phút sáng vào ca, làm đến 12 giờ ăn cơm trưa. Nghỉ trưa tại chỗ đến 13 giờ 15 phút là vào ca chiều đến 18 giờ. Nếu tăng ca đến 21 giờ 30 đêm mới được nghỉ. Ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, những cô thợ giày da như con ong chăm chỉ cho ra những đôi giày đẹp đẽ xuất khẩu đi Hàn Quốc, Hồng Công và các nước khác. Một tháng chỉ nghỉ được 2 ngày (dĩ nhiên 2 ngày nghỉ ấy không lương và không phải mùa tăng ca), song nếu nghỉ 1 ngày ngoài tiêu chuẩn mà không báo cáo sẽ bị trừ 50 ngàn đồng vào tiền lương cuối tháng. Đối với công nhân Đông lạnh Hải Việt, nếu làm hỏng, sai một sản phẩm bị trừ lương ngay lập tức, người chấm công sẽ công bố để công nhân đó biết. Nếu sơ suất không mặc áo hoặc đi găng tay bảo hộ vào phòng chế biến, sẽ bị viết bản kiểm điểm, nhắc nhở… có thể nói, họ làm hết công suất và chịu nhiều áp lực, thế mà lương cũng chỉ trên dưới 2,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thì được thêm 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng nữa. So với thợ giày da ở khu vực may xuất khẩu Linh Trung quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, thì thợ giày da ở Vũng Tàu bao giờ lương bình quân cũng thấp hơn 500 đến 600 ngàn đồng/tháng (dĩ nhiên, công nhân ở Sài Gòn chi phí tiền cho nhà thuê, ăn ở, đi lại cao hơn).

Thức ăn chiều của anh Hồ Văn Can, công nhân bào thớt khu công nghiệp Đông Xuyên.


Chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1972) quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, làm công nhân giày da ở Xí nghiệp Uy Việt đã hơn 10 năm. 10 năm ấy, chị đã trải qua nhiều cương vị và làm đủ nghề để sống ngoài làm ở xí nghiệp. Huyền tâm sự: “Bây giờ ở cương vị quản lý nhân sự hành chính, tôi đã có 8 năm miệt mài bên bàn máy khâu, song đồng lương cũng chỉ đủ nuôi sống cho bản thân mình một cách tằn tiện. Ngoài tiền ăn, tiền thuê nhà, điện nước dư dả chẳng đáng là bao, may quần áo là hết”.

- Ở Vũng Tàu có nhiều xí nghiệp may công nhân “chơi dài”, còn xí nghiệp của chị việc làm của công nhân có ổn định?

- Không, ở thành phố Vũng Tàu này, ngoài Xí nghiệp Đông lạnh Hải Việt thì không có xí ngiệp nào bảo đảm 100% việc làm cho công nhân. Trước đây một năm, công nhân giày da có ít nhất gần 3 tháng không có việc làm, trong gần 3 tháng ấy, xí nghiệp chỉ hỗ trợ cho 15% lương thất nghiệp, tức là được hơn 300 ngàn đồng một tháng thì sống sao nổi. Còn lại tất cả chị em phải tự lo, có nhiều người bỏ việc luôn, hoặc đi tìm việc ở công ty khác. Hàng năm, tháng 4 và tháng 5 thường chơi dài, nhưng đến cuối năm thì vắt chân lên cổ mà làm cũng không hết việc, không đủ hàng cho công ty. Tuy nhiên bây giờ công nhân có nhiều chế độ ưu đãi, công việc ổn định hơn, nhưng trên thực tế không có xí nghiệp nào bảo đảm có 100% việc làm cho công nhân. Có tháng chơi dài, có ngày tăng ca phải làm 12 tiếng. Nhìn chung đã dấn thân vào thợ giày da là đồng nghĩa với cực nhọc, lương không ổn định, đời sống khó khăn” – Sao chị không làm công nhân đông lạnh, lương cao hơn? - “Tôi cũng đã thử 6 tháng rồi, không chịu nổi vì cả ngày đứng trong đá lạnh, viêm mũi kinh niên. Làm ở Đông lạnh Hải Việt, tiền thuốc quá tiền lương. Đa phần chị em phụ nữ khó lòng trụ lâu dài ở đây, cuối cùng cũng “nhảy” qua giày da cả. Đông lạnh chỉ phù hợp với đàn ông, con trai thôi”.

Áp lực công việc khiến quên cả tuổi thanh xuân.

Những cô gái thợ giày da thường ví như vậy. Bởi ở đây, rất nhiều người mải mê làm việc mà quên cả tuổi xuân của mình trôi đi nhanh quá. “Một năm có 365 ngày thì có 300 ngày tăng ca còn đâu mà giao lưu tìm bạn. Có chị em may mắn lấy chồng Hải quân ở tiểu đoàn DK1 thì phải chấp nhận cách xa và chờ chồng đằng đẵng. Chồng đi biển từ 8 tháng đến hơn năm mới vào đất liền, ngày đi đến xí nghiệp, đêm về vò võ ôm gối một mình. Cả năm làm lụng tiết kiệm, chỉ đủ ăn và tiền thuê nhà. Với họ ước mơ có một ngôi nhà riêng chỉ là mơ ước.

Chị Nguyễn Thị Xoan là công nhân giày da ở Khu công nghiệp Đông xuyên, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, đã ngót 15 năm gắn bó với nghề may buồn buồn khi nói về chuyện chồng con của mình: “Nữ công nhân giày da như chúng em không có thời gian, kể cả ngày nghỉ. Phần nhiều vẫn chưa có gia đình riêng. Nhiều khi đêm về vắt tay lên trán nghĩ đến mái ấm gia đình mà thèm thuồng. Ban ngày làm việc đã nhọc nhằn, đêm về cô đơn thấy mình tủi thân. Nhưng cứ nghĩ đến về quê kiếm ra đồng tiền khó nhọc, em lại gạt bỏ chuyện yêu đương. Thật lòng con gái đến tuổi xây dựng gia đình là qui luật, nhưng với công nhân như chúng em là điều mơ ước. Chẳng lẽ “cọc đi tìm trâu”? Xoan cười rồi quay lại nhặt bó rau muống - khẩu phần chủ yếu cho buổi ăn tối.

Trở về sau 12 giờ căng thẳng với đường kim mũi chỉ, 10 đầu ngón tay như tê dại, người đau ê ẩm, chị Lê Thị Ngọc ở Phước Thành, phường 12, thành phố Vũng Tàu cùng 4 chị em khác về căn phòng trọ của mình. Họ xúm nhau nấu ăn, người nhặt rau, người vo gạo. Căn phòng chật hẹp chỉ đủ một ô vệ sinh và trải một chiếc chiếu giữa nhà mù mịt khói và mùi hôi dầu ma dút. Bữa cơm của họ đạm bác đến không ngờ, đĩa rau muống luộc, mấy miếng đậu phụ, vài con cá biển kho khô.

- Các em ăn thế này sao có sức khỏe mà làm việc?

- Thế này là “sang” rồi đấy. Thật ra chúng em cũng muốn tiết kiệm dành tiền để lấy chồng nữa”. Ngọc cười, nói tiếp: “Với chưa đầy 1 triệu tiền lương, chúng em phải trả tiền thuê nhà, trang trải. Có chị em còn phải giúp đỡ gia đình ngoài Bắc nuôi em ăn học, nói chung là tạm đủ sống.

- Còn chuyện riêng tư thế nào?

- Làm gì có thời gian. Cả năm quần quật với đôi giày, nó đã giẫm nát tuổi thanh xuân của chúng em rồi. Dãy phòng trọ này ai cũng cô đơn. Thỉnh thoảng cũng có mấy anh bộ đội Hải quân đến, song vì chúng em liên tục tăng ca về muộn, nên không có thời gian dành cho các anh ấy. Ở tập thể cũng vui, chuyện gì cũng biết, việc gì cũng làm chung, chỉ có điều cô đơn thì không ai biết…

Không thể viết hết những niềm vui nỗi buồn của những cô gái thợ giày da, song điều ghi nhận và đáng trân trọng ở họ là đức tính cần cù chịu khó, làm lụng vất vả để lấy tiền giúp đỡ gia đình và nuôi sống bản thân. Với họ, tuổi xuân dần trôi theo thời gian, đồng nghĩa với bao điều trăn trở và hơn lúc nào hết mơ về một gia đình bé nhỏ hạnh phúc.

Chia tay những cô gái thợ giày da, tôi cứ xốn xang. Biết bao giờ cuộc sống của họ được cải thiện hơn khi mà nơi họ làm liên tục tăng ca ngoài giờ, mà đồng lương thì bèo bọt, trong khi giá cả leo thang. Tôi nhớ mãi câu nói của cô gái thợ giày trẻ “Đôi giày xuất khẩu đã giẫm nát tuổi thanh xuân của chúng em rồi” mà thương cảm họ biết bao.

Bài và ảnh: Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN