Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn
Báo cáo từ Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến giữa tháng 8/2023, trên địa bàn xảy ra 144 vụ cháy khiến 10 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 4,6 tỷ đồng, 6 ha rừng. Còn tính từ đầu tháng 9 đến nay, Hà Nội xảy ra khoảng 5 vụ cháy lớn nhỏ.
Đáng kể nhất, đêm 12, rạng sáng 13/9, một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại tòa nhà chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200 m2, cao 9 tầng, một tum, là nơi cư trú của khoảng 150 người. Vụ cháy làm 56 người tử vong, 37 người bị thương.
Tiếp đó, 14 giờ 30 phút ngày 13/9, trên phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm bất ngờ xảy ra một vụ cháy. Nhận được tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng điều động phương tiện kỹ thuật, cán bộ, chiến sỹ có mặt tại hiện trường, dập tắt đám cháy.
Khoảng 21 giờ 18 phút ngày 15/9, một vụ cháy xảy ra tại Trung tâm tiêm chủng chất lượng cao Quốc Oai, huyện Quốc Oai. Đám cháy nhanh chóng bùng phát, khói và khí bao trùm toàn bộ ngôi nhà. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an huyện Quốc Oai đã đến hiện trường, kết hợp với lực lượng chữa cháy cơ sở nhanh chóng tiếp cận làm nhiệm vụ. Hỏa hoạn đã được khống chế và dập tắt sau đó ít phút nên không gây thiệt hại về người.
Còn vào khoảng 9 giờ 20 phút ngày 16/9, tại ngôi nhà cao hơn 6 tầng, số 28 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân xảy ra hỏa hoạn nhưng đã được lực lượng Công an nhanh chóng dập tắt. Vụ việc không có thiệt hại về người và tài sản do ngôi nhà đang trong quá trình sửa chữa.
Chưa hết, lúc 1 giờ 15 phút ngày 17/9, người dân phát hiện cháy tại khu vực tầng 3 của tòa chung cư cao 6 tầng ở chung cư D17 - Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Lúc này, ngọn lửa bùng lớn và tạo nhiều khói đen khiến cư dân lo lắng, bỏ chạy xuống tầng 1. Ban đầu đám cháy xuất phát từ khu vực bàn thờ trong căn hộ rồi lửa lan xuống phần sàn gỗ phía dưới. Vụ hỏa hoạn được dập tắt kịp thời nên chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Điểm qua tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố để thấy được nguy cơ hỏa hoạn rất tiềm ẩn.
Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ được Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đại tá Dương Đức Hải thông tin, có thời điểm đến 96% số vụ cháy trên địa bàn nguyên nhân từ chập, cháy điện. Từ thực tế trên cho thấy, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể biến thành hỏa hoạn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Cũng theo Đại tá Dương Đức Hải, để nâng cao nhận thức cho người dân về phòng cháy, chữa cháy, thành phố vận động, tuyên truyền 102.034 hộ kết hợp sản xuất kinh doanh (đạt 94,1%), 1.496.239 hộ nhà ở (đạt 91,3%) mở “lối thoát nạn thứ 2”; 620.938 hộ tự trang bị bình chữa cháy xách tay với tổng số gần 1 triệu bình; 784.161 hộ tự trang bị dụng cụ phá dỡ thô sơ...
Thành phố thành lập, duy trì hoạt động 7.313 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 19.685 điểm chữa cháy công cộng.
Mặc dù vậy, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy khiến hỏa hoạn luôn tiềm ẩn. Có thể dễ nhận thấy tại một số chung cư cũ trên địa bàn nội thành, nhiều người vẫn đốt vàng mã ở hành lang. Còn ở chợ, tiểu thương “hóa vàng” ngay sạp tạp hóa. Điều đáng nói, tại những chung cư mini hay xóm trọ nơi có nhiều công nhân, người lao động tự do tá túc, ý thức phòng, chống cháy nổ rất hạn chế.
Việc đun nấu ngay tại phòng ở là chuyện thường ngày. Vì lợi nhuận hoặc để giảm giá thành cho từng phòng trọ, chủ đầu tư thường lắp đặt hệ thống dây điện có thiết diện nhỏ, không đáp ứng công suất sử dụng. Người thuê muốn giảm chi phí đã rủ thêm người ở cùng, quá trình sinh hoạt sử dụng thêm bếp từ, bếp điện để nấu ăn, dẫn đến quá tải điện, gây chập cháy...
Xử lý sai phạm "không có vùng cấm"
Cùng với ý thức chủ quan của người dân, mầm họa gây cháy nổ tại Hà Nội còn bắt nguồn từ sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan chức năng có nhiệm vụ giám sát xây dựng, thẩm định phòng cháy, chữa cháy.
Sau vụ cháy xảy ra ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân), nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự buông lỏng trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đã không xảy ra xây dựng vượt tầng, không quá tải về hạ tầng xã hội cho một khu ở.
Việc biến căn hộ riêng lẻ thành chung cư mini làm gia tăng số phòng, gia tăng người lưu trú. Điều này góp phần gia tăng áp lực dân số cũng như phá vỡ cảnh quan tại nhiều khu vực, đặt môi trường đô thị của thành phố vào nhiều thử thách với những nguy cơ, trong đó mối nguy cháy nổ là thường trực.
Tại 12 quận nội thành Hà Nội, hầu như ở tất các phường đều có quy hoạch chi tiết 1/500, qua đó thể hiện rõ từng ô đất có chức năng làm công trình gì, bao nhiêu tầng, dân số bao nhiêu. Như vậy, có thể nhìn nhận, quy hoạch là công cụ để quản lý xã hội. Qua thống kê, tại Thủ đô có khoảng 2.000 chung cư mini, trong số ấy, có khoảng bao nhiêu trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ. Nếu không xử lý “cắt ngọn” công trình chung cư mini xây dựng sai phép sẽ còn có những hậu quả hỏa hoạn đau lòng xảy ra. Việc siết chặt quản lý xây dựng các chung cư mini, khu nhà trọ tạm bợ trên đất không hợp pháp sẽ là một trong những nguyên nhân căn bản giúp giảm mầm mống hỏa hoạn.
Mặt khác cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy đã thiếu quyết liệt trong việc ngăn chặn, đình chỉ cơ sở kinh doanh lưu trú không đủ điều kiện về phòng cháy.
Ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, đi chệch với chuẩn mực xã hội là trách nhiệm của mỗi công dân. Mỗi người dân nêu cao tinh thần đấu tranh với sai trái, tố giác với cơ quan chức năng về vi phạm phòng cháy, chữa cháy.
Nói như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, sau vụ “thảm họa cháy”, cần có sự thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về phòng cháy, chữa cháy. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân trong phòng cháy, chữa cháy. Nếu người dân không ủng hộ chỉ thành công một nửa.
Được biết, từ ngày 15/9 đến ngày 30/10, Hà Nội tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố, yêu cầu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, từ đó nhận diện những vi phạm, giúp ngăn mầm họa từ cháy nổ.