Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước Việt Nam
Trong tuần qua, Tổng thống Joe Biden đã thăm cấp Nhà nước Việt Nam và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công bố xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trong khuôn khổ quan hệ mới này, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng định hướng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, bao gồm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, nhằm bảo đảm lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Trung Quốc
Tuần qua, nhân dịp tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước”, góp phần vun đắp quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng thực chất, hiệu quả; đề nghị các Tập đoàn kinh tế tiếp tục phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương liên quan của Việt Nam để phát triển những dự án mới tại Việt Nam, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng; các dự án điện và xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam; các dự án điện gió và điện khí LNG...
Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội
Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã diễn ra và bế mạc trong tuần qua tại Hà Nội với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, thu hút hơn 500 nghị sỹ trẻ và đại biểu đến từ các nghị viện thành viên IPU, đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế Việt Nam.
Hội nghị đã đề cập đến tiến độ của các mục tiêu phát triển bền vững, vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để giúp các quốc gia đẩy nhanh tiến độ. Các đại biểu đã xem xét cách khai thác sự đa dạng văn hóa cũng có thể là động lực thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm để khai thác những mặt tích cực của những tiến bộ này, giảm thiểu rủi ro.
Tại các buổi Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận những vấn đề lớn liên quan tới năng lực số của thanh niên và thống nhất cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Trong đó, lực lượng thanh niên có điều kiện thuận lợi nhất để làm tốt việc chuyển đổi số, bởi đặc trưng sáng tạo, khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và dễ dàng chấp nhận những cái mới. Trong chuyển đổi số, thanh niên là chủ thể tham gia thực hiện chuyển đổi số và thụ hưởng kết quả mang lại từ chuyển đổi số...
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận, Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm và thành tựu của các nước trong xây dựng chính sách, pháp luật, nhằm thúc đẩy đa dạng văn hóa và vai trò của các nghị sỹ trong quá trình này. Qua phiên thảo luận, Nghị viện các nước cần phát triển cách tiếp cận chung của nghị viện, nhằm thiết lập một khuôn khổ các nguyên tắc, giá trị trong việc ra quyết định, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, chẳng hạn Bộ Quy tắc ứng xử của IPU về đạo đức khoa học và công nghệ, đảm bảo việc phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ được thực hiện có trách nhiệm, có đạo đức, vì mục tiêu phát triển bền vững và tôn trọng đa dạng văn hóa.
Dư nợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng
Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng đồng bằng Sông Cửu Long trong tuần qua tại Cần Thơ, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022.
Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm đầu tư với dư nợ đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản - là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%); dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.
Vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội... SOS
Đáng chú ý trong tuần qua là vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm 12 rạng sáng 13/9, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, báo động tới các cơ quan liên quan và cả xã hội về công tác quản lý cấp phép xây dựng, giám sát công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa phương.
Qua điều tra, Công an TP Hà Nội xác định tại ngôi nhà xảy ra cháy có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng và quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ tòa nhà chung cư mini nêu trên. TP Hà Nội cũng đã yêu cầu kiểm tra đối với 3 tổ chức Đảng của quận Thanh Xuân, nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo liên quan.
Sau vụ hỏa hoạn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện hỏa tốc số 825/CĐ-TTg triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, yêu cầu các Bộ tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao... trước ngày 15/11/2023; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để đánh giá kết quả 8 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tháng 9/2023; hoàn thành Quy chuẩn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD và tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ trước ngày 30/9/2023; khắc phục những tồn tại, bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng trước ngày 30/10/2023...
Ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ lây lan thành dịch
Tuần qua, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Bệnh đau mắt đỏ dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và lan thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…