Chủ động ứng phó
Xác định những tác động của sạt lở đến đời sống người dân là lớn, thậm chí có nguy cơ mất an toàn, do đó từ nhiều năm qua, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã duy trì thực hiện hai giải pháp phòng, chống sạt lở là phi công trình và công trình. Những giải pháp phi công trình được thực hiện như đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, tránh, xử lý sạt lở bờ sông, kênh, rạch; chủ động theo dõi diễn biến sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở; sử dụng cây cỏ và các vật liệu tại chỗ để chắn sóng, chống xói lở bờ ... Song song đó, các ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hạn chế tình trạng khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa trái phép làm ảnh hưởng hoặc dẫn đến các yếu tố gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lục Sỹ Thành Nguyễn Tấn Tân, do là xã cù lao có nhiều khu vực tiếp giáp sông lớn, lưu lượng phương tiện thủy di chuyển nhiều nên hàng năm, sạt lở thường xuyên xảy ra và ngày càng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, xã đã ghi nhận 7 vụ sạt lở, trong đó có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng. Nhận định tình hình sạt lở khó ứng phó, hàng năm, địa phương đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền người dân sống ven sông cảnh giác, theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo có hướng gia cố, khắc phục kịp thời, tăng cường trồng bần góp phần giữ bờ. Song song đó, địa phương khẩn trương triển khai các công trình gia cố những điểm sạt lở nằm trong khả năng, đề xuất các cấp quan tâm bố trí các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ Võ Trung Sơn cho biết, ngay từ đầu năm, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường khảo sát nắm tình hình sạt lở, cắm các biển báo khu vực có nguy cơ. Đối với những đoạn sạt lở nhỏ, địa phương vận động người dân cùng gia cố, đoạn sạt lở lớn thì đề xuất huyện, tỉnh bố trí kinh phí. Địa phương cũng chú trọng công tác hỗ trợ người dân sau sạt lở để ổn định cuộc sống, nâng cao cảnh giác trước những biểu hiện cực đoan của thời tiết và các dấu hiệu sạt lở để kịp thời báo chính quyền hỗ trợ di dời tài sản đến nơi an toàn khi sự cố thiên tai xảy ra.
Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai quyết liệt các giải pháp công trình. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, cùng với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đầu tư 10 tuyến kè bê tông cốt thép kiên cố; gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố lòng sông, gia cố tạm bằng cừ tràm, cừ dừa với khoảng 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở khoảng 40.071 m, kinh phí thực hiện 4.336 tỷ đồng. Việc xây dựng các công trình kè giúp tỉnh giải quyết hiện tượng sạt lở bờ sông ở những nơi nguy hiểm, tình trạng xây cất nhà lấn chiếm bờ, lòng sông kéo dài nhiều năm, ổn định tái định cư nhiều hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm về nơi ở mới, an toàn...
Ngoài ra, các địa phương và người dân đã triển khai thực hiện giải pháp sử dụng vật liệu tại chỗ để giữ bờ hoặc trồng cây, cỏ chống sạt lở. Cụ thể, từ năm 2021-2023, lồng ghép trong dự án thủy lợi ngăn mặn tại cù lao Lục Sĩ huyện Trà Ôn (gồm xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành) và cù lao Dài huyện Vũng Liêm (gồm xã Thanh Bình và Quới Thiện), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai trồng lục bình để bảo vệ mái bờ sông tại đây với tổng chiều dài bờ sông được bảo vệ 8.860 m, góp phần giảm rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, trong những năm trước đây, địa phương thường ghi nhận sạt lở nhiều trên các sông chính, thời gian gần đây thì vùng nội đồng xảy ra nhiều hơn. Các vụ sạt lở tuy ít gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người dân nhưng đã làm thiệt hại nhiều về đất đai, công trình, nhà cửa ven sông. Mặc dù tỉnh đã chủ động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai các giải pháp ứng phó sạt lở. Cụ thể, hiện nay việc phòng, chống sạt lở cần đầu tư những công trình lớn và xây dựng khu tái định cư nhưng nguồn kinh phí của tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương chưa đáp ứng, quỹ đất cho việc thực hiện tái định cư còn hạn chế. Công tác dự báo về sạt lở còn nhiều khó khăn, chỉ thực hiện ở mức cảnh báo nên việc ứng phó chưa được kịp thời. Ngoài ra, các địa phương cũng gặp khó khăn trong di dời người dân sống vùng sạt lở và nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới, nguyên nhân do hộ dân không có đất, việc vào cụm tuyến dân cư làm thay đổi thói quen và công việc hàng ngày…
Trước tình hình thời tiết trong tỉnh nói riêng và Nam Bộ nói chung bước sang thời kỳ mưa, bão, nguy cơ sạt lở cao, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít Nguyễn Văn Diên cho biết, địa phương xác định công tác phòng ngừa là chính, bởi lẽ khi sạt lở xảy ra thì công tác khắc phục rất tốn kém và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ngay từ đầu năm, huyện Mang Thít chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân để chủ động ứng phó, thường xuyên tỉa bớt những nhánh cây lớn ven sông để tránh áp lực gió, hạn chế để vật dụng nặng ở trên nơi có nguy cơ sạt lở nhằm giảm áp lực lên phần đất ở khu vực này; lưu ý các hộ dân ven sông thường xuyên theo dõi các dấu hiệu của sạt lở, phối hợp với địa phương gia cố các vị trí sạt lở nhỏ...
Huyện yêu cầu địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp công trình, gia cố các điểm xung yếu, đồng thời chuẩn bị các phương án, luôn sẵn sàng chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt, tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời đến các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh. Các địa phương phải luôn sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Từng địa phương phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các ngành có liên quan và người dân trong việc chủ động phòng, chống sạt lở, đồng thời chủ động thực hiện công tác rà soát, kiểm tra tình hình sạt lở trên địa bàn, thông báo để người dân cùng theo dõi tình hình và ứng phó kịp thời.
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do những hiện tượng, thiên tai gây ra, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp công trình, trong đó đặc biệt dồn nguồn lực thực hiện cho các dự án đã có quy hoạch và các điểm đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp. Tỉnh tiếp tục đề xuất Trung ương hỗ trợ khảo sát, đánh giá ổn định bờ sông, bố trí kinh phí để thực hiện giải pháp công trình phòng, chống sạt lở đối với một số điểm sạt lở lớn chưa được bố trí kinh phí trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành liên quan xem xét triển khai rộng ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ các tỉnh, thành về dự báo sạt lở bờ sông, rạch...để chủ động hơn trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống người dân.