Ngày 6/5 vừa qua, Cục trưởng Tài chính Hồng Công Tăng Tuấn Hoa đã có bài viết phân tích về sự thay đổi trong “bát cơm” của người Hồng Công (Trung Quốc). Ông Tăng Tuấn Hoa cho biết mặc dù Thái Lan tới nay vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất sang Hồng Công, nhưng thị phần ngày càng sụt giảm, từ mức hơn 90% cho tới năm 2007 xuống mức 61% của năm 2011 và 57% trong 3 tháng đầu năm nay. Ngược lại, thị phần gạo Việt Nam tại Hồng Công lại tăng lên mạnh mẽ.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN tại Hồng Công đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Văn Công, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hồng Công và Ma Cao.
Phóng viên TTXVN phỏng vấn ông Phạm Văn Công. Ảnh Tiến Trung (P/v TTXVN tại Hồng Công)
|
P/v:Xin ông cho biết một số nét nổi bật về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Hồng Công?
Ông Phạm Văn Công: Như chúng ta đã biết, Việt Nam hiện nay đã là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới và năm nay Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đối với thị trường Hồng Công, 10 năm trước, gạo nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% lượng gạo Hồng Công tiêu thụ. Tỉ lệ này sau đó đã tăng dần lên và tới năm 2010 xuất hiện đột phá, chiếm gần 20% thị phần, năm 2011 tiếp tục tăng thêm khoảng 10%, chiếm gần 30% thị phần và 3 tháng đầu năm nay thị phần gạo Việt Nam tại Hồng Công đã vượt mốc 30%. Dự kiến năm 2012, thị phần gạo Việt Nam tại thị trường Hồng Công sẽ đạt từ 50%-60%, vượt qua Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Hồng Công.
P/v: Vậy thưa ông, tại sao gạo Việt Nam lại đạt được bước tiến mạnh mẽ như vậy trên con đường gia tăng thị phần tại thị trường Hồng Công?
Ông Phạm Văn Công: Một nguyên nhân quan trọng giúp gạo Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều ở Hồng Công là do yếu tố giá rẻ, cạnh tranh so với các nước xuất khẩu gạo khác. Theo thống kê của Hồng Công, bình quân giá gạo Thái Lan bán lẻ năm 2011 tại Hồng Công là 11,14 HKD/kg còn của Việt Nam là 9,32 HKD/kg. Mức giá bình quân lần lượt cho 3 tháng đầu năm nay là 11,78 HKD/kg và 9,14/kg HKD. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là yếu tố chất lượng. Để giúp phía Hồng Công hiểu rõ hơn về vấn đề này và góp phần giải quyết đầu ra cho gạo Việt Nam, đầu tháng 3/2012, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hồng Công đã phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh Nhập khẩu gạo Hồng Công tổ chức đoàn gồm hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu gạo Hồng Công sang Việt Nam, trực tiếp khảo sát tình hình sản xuất, chế biến gạo của Việt Nam. Qua đó, họ ngày càng yên tâm về chất lượng gạo Việt Nam và minh chứng rõ nét là họ đã tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng đối với gạo Việt Nam.
P/v: Trong một bài viết ngày 6/5, Cục Tài chính Hồng Công Tăng Tuấn Hoa nói rằng trong chuyến thăm Việt Nam mới đây ông đã bàn với phía Việt Nam về vấn đề đưa gạo Việt Nam vào thị trường Hồng Công. Ông Tăng Tuấn Hoa tin rằng dần dần người dân Hồng Công sẽ thấy sự xuất hiện nhiều hơn của gạo Việt Nam trong hệ thống bán lẻ của đặc khu. Vậy với tư cách là cơ quan đầu mối kết nối thương mại, Thương vụ Việt Nam tại địa bàn sẽ làm gì để tận dụng cơ hội này?
Ông Phạm Văn Công: Việc đa dạng hóa nguồn cung cấp gạo sẽ có lợi cho người tiêu dùng Hồng Công bởi họ sẽ có thêm nhiều lựa chọn với hưởng giá cả cạnh tranh hơn. Đối với Việt Nam, đây cũng là cơ hội rất lớn cho đầu ra của sản phẩm gạo. Nắm bắt được việc này, ngay từ cuối năm 2011, chúng tôi đã tăng cường khâu xúc tiến thương mại bằng cách đưa thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang thâm nhập tìm hiểu thực tế yêu cầu của thị trường Hồng Công đối với sản phẩm gạo, từng bước đưa thương hiệu gạo Việt Nam đứng chân trên thị trường Hồng Công.
Đồng thời, chúng tôi còn tích cực giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho đối tác Hồng Công và phối hợp với các cơ quan trong nước giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thêm hiểu biết về cách thức giao dịch, phương thức thanh toán trong hợp tác kinh doanh với đối tác Hồng Công, nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp phải.
P/v: Xin cảm ơn ông!
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)