Theo điều tra Dân số, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi (NCT), trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ NCT trên 65 tuổi chiếm 7% dân số. Theo qui định của Liên hợp quốc, một quốc gia được coi là già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% tổng số dân số hoặc tỷ lệ người trên 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng số dân. Nếu tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20% tổng số dân hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số thì quốc gia đó được gọi là dân số già. Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
|
Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 - 20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia đi trước như: Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Hoa Kỳ 70 năm, Nhật Bản 26 năm.
Ông Arthur Arken – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, tình trạng già hóa dân số đang diễn ra ở tất cả các khu vực và các quốc gia ở các mức độ khác nhau. Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á. Theo dự báo số người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới.
Ở Việt Nam, những năm qua, tổng tỷ suất sinh giảm đáng kể: năm 1979, trung bình mỗi cặp vợ chồng có 4,8 con thì đến năm 2011 giảm còn 1,99 con. Tỷ lệ tử vong ở người mẹ cũng giảm từ 91/100.000 trẻ sơ sinh (năm 2002) còn 69 (năm 2009). Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73 tuổi, sau 50 năm tăng 33 tuổi (trung bình của thế giới tăng 21 tuổi).
Do đẻ ít đi, người tử vong cũng ít, sống lâu hơn nên số người cao tuổi cũng gia tăng. Năm 1979, ở Việt Nam có 3,7 triệu người cao tuổi thì đến nay, người cao tuổi ở Việt Nam đang có 8,65 triệu người. Trung bình trong 30 năm (1979-2009), số người cao tuổi ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 1 triệu người.
Không những số người cao tuổi tăng mà tỷ lệ người cao tuổi trong trên tổng số dân cũng tăng nhanh. Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1979, 1989, 1999, 2009: năm 1979, số người cao tuổi trên 60 tuổi và trên 65 tuổi là 6,9/ 4,1; năm 1989 là 7,2/4,7; năm 1999 là 8,1/5,8; năm 2009 là 8,86/6,4; năm 2011 là 9,9/7,0. Việt Nam gia nhập các quốc gia già hóa dân số từ năm 2011.
Đồng thời, có một chỉ số đáng lưu tâm khi nói đến người già là nhóm người rất già (trên 80+). Ở Việt Nam , dân số không những đang già đi mà bản thân số người già cũng trở nên già hơn, tỷ lệ người trên 80 tuổi cũng có xu hướng tăng nhanh. Năm 1979, tỷ lệ người ở tuổi 80 trở lên trong tổng dân số là 0,54% thì năm 1989 là 0,7%, năm 1999 là 0,93%, năm 2009 là 1,47%. Một thông tin mới nhất cũng cho thấy, ở người cao tuổi, tỷ lệ phụ nữ cao hơn nam giới. Ở NCT trên 60, trung bình 1 cụ ông có 1,5 cụ bà; ở tuổi 80+, cứ 1 cụ ông có 2 cụ bà; tuổi 85+ thì cứ 1 cụ ông có 2,5 cụ bà.
*Người cao tuổi và những thách thức gia tăng Gặp một cặp vợ chồng mới nghỉ hưu được hơn 2 năm đang tất tưởi trong dòng người đi ra ngoại ô trong ngày cuối tuần, hỏi thăm được biết anh chị đi thăm ông bà đang ở một trại dưỡng lão của Hà Nội. Với mức lương hưu trên 10 triệu chút ít của 2 người, lấy tiền đâu mà gửi ông bà vào nơi đắt tiền như vậy. Câu trả lời: Biết làm sao được, hai ông bà, chỉ ông có lương hưu (4 triệu đồng/tháng), ông không đi lại được, bà thì mắc chứng bệnh “không ai chăm được”; nhà có hai chị em, kẻ Nam người Bắc, kinh tế không dư dật nên đành phải cho thuê căn hộ chung cư (hơn 30m2) ở mặt phố nhỏ, thuê lại nơi khác trong hẻm diện tích ít hơn để lấy tiền dôi ra gửi ông bà vào Trại. Đó là cảnh của người trong diện “dân số già” chăm nuôi người “Già dân số”.
Câu chuyện của ông già ở quê không trong diện “ thoát ly” nên về già không có lương hưu. Kinh tế nghèo, không có gì chia cho đàn con được sinh ra trong thời “vô kế hoạch” nên sự tồn tại của ông là ở với mỗi đứa con 1-2 tháng rồi chuyển vùng. Mỗi khi có ốm đau phải đi viện là cảnh các con “lệ chi quyên” tiền nuôi bố. Ở cảnh này, để tồn tại cũng không dễ nói gì đến hưởng thú vui tuổi già.
Hai cảnh đời trên không dám nói là phổ biến trong cuộc sống NCT ở Việt Nam hiện nay hay không. Thực tế, cũng có một bộ phận người già có nguồn tích lũy khi về già có thể sống tự lập, không nhờ con cháu. Một bộ phận cũng được con cháu trả ơn, nuôi dưỡng chu đáo lúc khỏe cũng như khi ốm đau…
Trao đổi về những trở ngại, khó khăn của NCT với một chuyên gia làm về công tác dân số, được chia sẻ: Ở Việt Nam , số NCT tăng lên nhưng số người sống độc thân, gia đình hạt nhân cũng tăng lên. Do đó, mô hình gia đình đang có nhiều biến động lớn. Năm 1993 vẫn có tới 80% NCT sống với gia đình, nhưng hiện nay chỉ còn 72,3% và đang giảm dần. Theo điều tra quốc gia về NCT, có đến 30% NCT cho biết không thể chia sẻ khi buồn. 11% bị nói nặng lời, 4% bị từ chối nói chuyện và 1,6% bị đánh đập, đe dọa.
Mặc dù tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật vẫn đè nặng lên sức khỏe NCT với 95% người cao tuổi mang bệnh mãn tính không lây nhiễm. Điều tra quốc gia về NCT năm 2011 cho thấy, trong tổng số gần 9 triệu NCT, chỉ có 4,8% số họ có sức khỏe tốt và rất tốt, 67,2% là yếu và rất yếu. 95% NCT có bệnh. Nhưng lại có 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị. Đặc biệt, tỷ lệ NCT ở nông thôn bị đau ốm hoặc chấn thương trong 12 tháng được điều trị bởi cán bộ y tế rất thấp chỉ chiếm 13% so với 23,5% ở thành thị.
Nói đến NCT, người già là nghĩ ngay đến sự gia tăng nguy cơ tàn phế. Các bệnh mãn tính là nguyên nhân chính gây nên nguy cơ tàn phế và làm giảm chất lượng sống của người già. Đồng thời, khó khăn nữa với đối tượng NCT là chi phí y tế thường tăng cao gấp 7-10 lần so với người trẻ mặc dù NCT chỉ chiếm 10% dân số và sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc y tế trong xã hội.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh: Ở Việt Nam , khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn có quá nhiều hạn chế; đó là: chưa hoàn thiện mạng lưới y tế cho người già; các dịch vụ y tế cho người già tại cộng đồng thiếu và yếu. Ngân sách y tế có hạn trong khi chi phí chăm sóc y tế cho NCT, người già tốn kém. Hệ thống bệnh viện ở nước ta cơ bản là để đáp ứng các trường hợp bị bệnh cấp, bệnh nặng. Bệnh nhân sau đợt chữa bệnh cấp thì cho xuất viện. Với nhóm người trẻ thì không lo ngại gì nhưng với NCT thì như vậy chưa đủ. NCT sau giai đoạn chữa cấp cần có giai đoạn phục hồi chức năng, điều trị nâng cao sức khỏe.
Ở nước ta cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa lão khoa, thiếu điều dưỡng chuyên khoa lão khoa. Chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà và những người chăm sóc không được đào tạo; lực lượng này cũng ngày một thiếu so với nhu cầu xã hội.
*Giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi Chăm sóc người cao tuổi đã đến lúc cần được nhìn nhận như một công việc thể hiện đạo lý, văn hóa sống của dân tộc, cộng đồng; coi đó nhu là một nội dung chính thể hiện tính ưu việt của chế độ nhà nước XHCN. Có như vậy, chúng ta mới có được sự đầu tư xứng đáng về vật chất và nguồn nhân lực. Việt Nam đã ban hành Luật Người cao tuổi (năm 2009), thành lập Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi; ban hành chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi…Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện những chủ trương chính sách của Nhà nước còn nhiều chuyện phải bàn.
Nâng cao chất lượng chăm sóc NCT, trước tiên là tăng cường sức khỏe và phòng bệnh cho NCT; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho NCT. Người cao tuổi cần được hướng dẫn kỹ năng về chăm sóc sức khỏe; kỹ năng về phòng bệnh, chữa bệnh, tự chăm sóc sức khỏe. Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nhà nước cần xây dựng hệ thống bệnh viện chuyên lão khoa; xây dựng khoa lão tại các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, khu vực; xây dựng các khoa chữa bệnh cấp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Nhà nước cần triển khai xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão với nhiều loại hình: nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế, nhà dưỡng lão cho đối tượng đặc biệt, nhà dưỡng lão cho đối tượng NCT còn tương đối khỏe mạnh. Phát triển các dịch vụ xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội với hình thức tự chi trả hay cùng chi trả; chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình, cộng đồng. Đào tạo thầy thuốc, nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa. Nghiên cứu mô hình xã hội hóa các dịch vụ an sinh xã hội đối với người cao tuổi với sự bảo trợ tương xứng của Nhà nước về chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Công Hải