Công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng được xã hội quan tâm, người cao tuổi ngày càng được chăm lo tốt hơn cả về vật chất, tinh thần.
Nhiều hoạt động thiết thực
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới người cao tuổi, quan trọng nhất là ban hành Luật Người cao tuổi. Bên cạnh đó là Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi 2012 - 2020. Theo đó, người cao tuổi được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe…
Tư vấn, xét nghiệm máu, siêu âm, khám sàng lọc bệnh cho người cao tuổi tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh:Dương Ngọc - TTXVN |
Theo ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, từ khi Luật Người cao tuổi có hiệu lực (từ 1/7/2010), có nhiều phong trào giúp đỡ người cao tuổi đã nhận được sự chung tay cộng đồng như: “Cuộc vận động toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi”, “Chăm sóc người cao tuổi với nỗi đau da cam”, “Một triệu áo ấm tặng người cao tuổi nghèo”... Đặc biệt, ngày 28/9 vừa qua, Hội Người cao tuổi phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình giao lưu từ thiện gây quỹ ủng hộ “Chương trình mắt sáng cho người cao tuổi” nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều đơn vị, người hảo tâm, với gần 20 tỷ đồng đóng góp để khám và chữa mắt cho người cao tuổi khó khăn ở 62 huyện nghèo trong cả nước.
Nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã có những chương trình hành động vì người cao tuổi. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp thuận lợi, an toàn, góp phần ổn định đời sống cho bản thân và gia đình người cao tuổi. Ủy ban Dân tộc tiếp tục tham mưu thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, chế độ, trong đó chú trọng quan tâm người cao tuổi. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện giảm vé, phí dịch vụ đối với người cao tuổi khi tham gia giao thông. Nhiều địa phương đã quan tâm ưu tiên thực hiện các chính sách giảm nghèo, xóa nhà tạm cho hộ nghèo và các chính sách an sinh xã hội khác đối với hộ nghèo có người cao tuổi...
Hỗ trợ người cao tuổi làm kinh tế giỏi
“Cả nước hiện có hơn 9 triệu người cao tuổi, trong đó 75% sống ở nông thôn và 70% vẫn lao động kiếm sống, nhất là ở độ tuổi tầm 60-80 tuổi không có lương hưu. Chính vì vậy, Hội Người cao tuổi đang phát triển mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” để người cao tuổi vừa sinh hoạt văn hóa, tư vấn giúp nhau chăm sóc sức khỏe, vừa giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông Đàm Hữu Đắc cho biết.
Từ năm 2007, Hội Người cao tuổi Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, xã hội đã thí điểm mô hình “Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau” tại Thái Nguyên, với 104 CLB, thu hút trên 4.000 thành viên (gồm 70% người cao tuổi và 30% là đối tượng trẻ và có hoàn cảnh kinh tế khá giả nhằm đảm bảo sự kế cận và có thể giúp đỡ nhau khi khó khăn). Sau đó, Hội đã nhân rộng mô hình này tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, với trên 320 CLB khác. Mỗi CLB được hỗ trợ nguồn vốn là 100 triệu đồng với lãi suất 0,8-1%/tháng và được tập huấn về truyền thông, tổ chức hoạt động.
Ông Lê Xuân Lung, Chủ nhiệm CLB người cao tuổi làng An Hảo (xã Hoằng Trạch, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chia sẻ: “Được Trung ương Hội hỗ trợ, CLB có nguồn quỹ 100 triệu đồng để cho thành viên là hộ nghèo vay để phát triển kinh tế hộ. Một số mô hình làm kinh tế hiệu quả như: mở xưởng mộc, trồng cây cảnh, nuôi chim bồ câu…
“Từ nguồn vốn của tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa thành lập được 40 CLB liên thế hệ, dự định đến năm 2016 thành lập được 200 CLB”, ông Lê Bạch Lan, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Theo ông Đàm Hữu Đắc, thời gian tới, mô hình CLB liên thế hệ sẽ tiếp tục nhân rộng tại các tỉnh, thành phố nhằm giúp người cao tuổi cải thiện cuộc sống và ngày càng gắn kết quan hệ tình làng nghĩa xóm thông qua các hoạt động của CLB.
Xuân Cường