Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đang thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho người dân và du khách tại nơi công cộng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN.

Tại cuộc họp sáng 26/2, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đánh giá: Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho toàn bộ 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19; đang theo dõi, cách ly 31 trường hợp nghi nhiễm COVID-19; theo dõi sức khoẻ 5.675 người tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch.

Qua 14 ngày, chưa ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Đại diện Bộ Y tế chính thức thông báo, đến ngày 26/2, hai tỉnh Thanh Hoá, Khánh Hoà đã đủ điều kiện để công bố hết dịch. Tuy tình hình trong nước như vậy, nhưng diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp, khó lường. Bộ Y tế nhận định, thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 mới. Hiện tại, chúng ta đã khởi động toàn bộ hệ thống giám sát y tế, sẵn sàng phát hiện, sàng lọc, tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch tại chỗ.

Trước thực tế ở một số địa phương xuất hiện những biểu hiện chủ quan, lơ là, các ý kiến cho rằng “Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tuy chúng ta đã chiến thắng trận đầu, nhưng nếu chủ quan là tự sát”. Ban Chỉ đạo đề nghị cấp uỷ và chính quyền, hệ thống chính trị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương… về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt “hai mũi giáp công” là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ phát biểu, mong muốn nhân dân yên tâm, tin tưởng, ủng hộ và hợp tác với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh; các cấp, các ngành, địa phương phải coi việc chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần "chống dịch như chống giặc", không run sợ, không quá lo lắng, nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã ký Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 tại Phục lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016.

Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).

Trên thế giới, dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới rất phức tạp, khó lường, nhất là trong mấy ngày qua tại Hàn Quốc, Italia, Iran, Nhật Bản và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của nước ta.

Bên cạnh việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được giao; có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tăng cường xuất khẩu chính ngạch (nhất là đường bộ, đường biển), đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng (như gỗ, rau quả, thủy sản...); khai thác tốt thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước, có giải pháp khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là vật tư y tế và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá. 

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 khẳng định sự cần thiết phải thực hiện nghiêm việc phát hiện, cách ly, kiểm soát nghiêm ngặt người nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch để có thể giảm thiểu khả năng xâm nhập.

Theo đó, công dân Việt Nam về nước từ tỉnh Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc) sẽ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Các trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam xuất cảnh từ các địa phương khác của Hàn Quốc (trừ những trường hợp mang hộ chiếu công vụ và đã được xác nhận không tới vùng dịch trong 14 ngày trở lại đây), khi nhập cảnh Việt Nam, sẽ được phỏng vấn bổ sung để chứng minh chắc chắn trong thời gian 14 ngày qua không đi qua tỉnh Daegu và khu Bắc Gyeongsang (Hàn Quốc), không tiếp xúc gần với những người có nguy cơ lây nhiễm.

Các trường hợp cố tình khai báo không trung thực về nơi đến sẽ bị xử phạt nghiêm theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 

Sáng 26/2, bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại phòng khám Đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã được xuất viện. Như vậy, đến thời điểm này, 16/16 bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước ta đều khỏi bệnh và đã được ra viện. Theo báo cáo Bộ Y tế, tính đến 15 giờ ngày 26/2, thế giới đã ghi nhận 81.018 trường hợp mắc COVID-19 tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc đã ghi nhận 78.066 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố.
V.T/Báo Tin tức
Giám sát chặt du khách, người lao động đến từ vùng dịch COVID-19
Giám sát chặt du khách, người lao động đến từ vùng dịch COVID-19

Tại cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó với dịch COVID-19 diễn ra ngày 26/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa đã chỉ đạo giám sát chặt chẽ, thực hiện biện pháp cách ly đối với khách du lịch, người lao động tới từ vùng có dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN