Việt Nam còn 800.000 tấn bom đạn sót lại

Bom mìn, vật nổ (BMVN) sót lại sau chiến tranh vẫn đang gây ra những thương vong, mất mát lớn. Vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) gần đây do phá dỡ phế liệu bom mìn để lấy sắt vụn, cho thấy còn nhiều người thiếu ý thức trong việc chấp hành quy định pháp luật về xử lý phế liệu là BMVN sau chiến tranh.

Hậu quả từ bom mìn sót lại

Theo kết quả dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc”, các tỉnh thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ (BMVN) sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm BMVN khoảng 6,8 triệu ha, chiếm 20,7% tổng diện tích cả nước. “Việt Nam còn khoảng 800.000 tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh. 

Thu mua phế liệu là vật liệu nổ luôn tiềm ẩn nguy hiểm. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Từ năm 1975 đến năm 2015, có khoảng 110.000 nạn nhân bom mìn (gần 50.000 người bị chết và hơn 60.000 người bị thương), trong đó phần lớn là các lao động chính trong gia đình và trẻ em”, ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) cho biết.

“Từ hậu quả vụ nổ do hàn xì phế liệu nổ tại Hà Đông cho thấy cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết tác hại của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và giao nộp cho cơ quan chức năng.

Các loại BMVN chưa nổ nằm sâu trong lòng đất luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến đời sống, trật tự an toàn xã hội, cản trở sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến cộng đồng. Ông Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm hành động khắc phục bom mìn Việt Nam (VBMAC) cho biết: “Người dân một số địa phương trong lúc nông nhàn đã tự động đi dò tìm thu nhặt phế liệu, trong đó có các loại BMVN về cưa cắt lấy thuốc nổ và phế liệu bán. Có thuốc nổ, người mua dùng để đánh bắt cá, hủy diệt tài nguyên của đất nước, gây ô nhiễm môi trường và gây ra những vụ mất trật tự an toàn xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự và an toàn xã hội”.

Hàng năm, Nhà nước phải chi hàng nghìn tỉ đồng cho rà phá bom mìn và hàng trăm tỉ đồng cho cứu chữa, điều trị, giúp đỡ nạn nhân bom mìn. Ngay khi chiến tranh kết thúc, Nhà nước đã tổ chức các chiến dịch rà phá bom mìn giải phóng đất đai đưa dân về sinh sống, nhưng do nhiều nguyên nhân nên hầu hết mới chỉ giải quyết các loại BMVN ở độ sâu đến 0,3m. “Từ năm 1999 đến nay, nhờ đầu tư trang bị, lực lượng nên việc rà phá bom mìn được tiến hành triệt để, xử lý hết BMVN đến độ sâu 5 mét tính từ mặt đất tự nhiên, trong đó tập trung rà phá bom mìn ở các công trình trọng điểm của Nhà nước, các công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội”, ông Nghiêm Đình Thiện cho biết.

Nâng cao nhận thức

“Từ hậu quả vụ nổ do hàn xì phế liệu nổ tại Hà Đông cho thấy cần tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết tác hại của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và giao nộp cho cơ quan chức năng. Do đó, rất cần sự tham gia đẩy mạnh truyền thông của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của báo chí, để góp sức khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vì bình yên của cuộc sống”, ông Lưu Hồng Sơn nói.

Nhằm đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của BMVN. “Theo ước tính, để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, ước tính cần kinh phí trên 10 tỷ USD và kéo dài hơn 100 năm. Bên cạnh đó là hàng tỷ USD cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn”, ông Lưu Hồng Sơn cho biết.

Việc giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho cộng đồng đang giành được sự quan tâm đặc biệt. Nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và phi chính phủ nước ngoài như RENEW, SODI, Golden West… triển khai thực hiện nhiều dự án giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế.

Theo ông Nghiêm Đình Thiện, qua các dự án khắc phục hậu quả bom mìn đang triển khai tại miền Trung cho thấy đem lại hiệu quả rõ nét. Trong đó, việc tuyên truyền chuyên đề tại các trường học khu vực miền Trung, thông qua sự nhận biết, phòng tránh BMVN đã giúp nâng cao nhật thức của cộng đồng, qua đó giảm đáng kể tai nạn bom mìn những năm gần đây.

Xuân Cường
Cần hơn 10 tỷ USD để làm sạch bom mìn tại Việt Nam
Cần hơn 10 tỷ USD để làm sạch bom mìn tại Việt Nam

Nhân Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân về sự cấp thiết chung tay khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, sáng 31/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức họp báo, thông tin công tác khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN