Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, mặc dù chiến tranh đã qua đi, nhưng Việt Nam vẫn phải chịu những hậu quả do bom đạn còn sót lại (ước tính có khoảng 800.000 tấn sau chiến tranh), hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương trong 40 năm qua. Để hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và tổ chức trợ giúp cho các nạn nhân bom mìn như miễn phí bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, đào tạo nghề và tạo việc làm, phục hồi chức năng…
Tuy nhiên, việc hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế. Một số mô hình hỗ trợ mới mang tính chất thí điểm. Do đó, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là thiết lập đường dây tư vấn cho các nạn nhân bom mìn tại 10 trung tâm công tác xã hội; đầu tư mở rộng quy mô trợ giúp và phục hồi chức năng cho các nạn nhân bom mìn tại miền Trung và miền Bắc; hỗ trợ dạy nghề cho các nạn nhân theo nhu cầu của thị trường lao động, tìm kiếm việc làm phù hợp tại nơi cư trú; đồng thời, phát triển mạng lưới các bệnh viện và trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng; nâng cao năng lực của các trạm y tế xã trong việc trợ giúp nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng...
Theo đại diện Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, để tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, việc cần làm sớm là hệ thống dữ liệu về nạn nhân. Thực tế qua việc hỗ trợ năm 2015 cho thấy số liệu của Sở LĐTBXH địa phương, cấp xã, hội cựu chiến binh… khác xa nhau. Hơn nữa, các nhà tài trợ khi cấp kinh phí đều yêu cầu kế hoạch cụ thể, trong đó phải nêu rõ địa chỉ hỗ trợ cụ thể. Do đó, để việc hỗ trợ nạn nhân hiệu quả thì cơ quan chức năng sớm có dữ liệu về nạn nhân bom mìn để từ đó có kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hóa.