Cần hơn 10 tỷ USD để làm sạch bom mìn tại Việt Nam

Nhân Ngày thế giới phòng, chống bom mìn 4/4, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và quần chúng nhân dân về sự cấp thiết chung tay khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, sáng 31/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức họp báo, thông tin công tác khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian qua.

Lực lượng công binh di chuyển quả bom nặng 340kg tại Bạc Liêu ngày 30/3. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTBXH cho biết: Bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với người dân; là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng bom mìn, vật nổ. Chỉ tính riêng số bom mìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo ước tính, ở nước ta, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn; trên 20% diện tích đất đai toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn; hơn 100 nghìn nạn nhân bom mìn. Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình hoặc lứa tuổi tương lai của đất nước. Hậu quả do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ảnh hưởng rất lớn đến con người, đời sống xã hội, nền sản xuất nông nghiệp và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhằm đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội… Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu tấn bom mìn, giải phóng hàng trăn ngàn ha đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật nổ.

Cùng với đó, việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng đã được Bộ LĐTBXH, các địa phương và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện một cách hiệu quả. Việc tái định cư được Chính phủ quan tâm bằng những chương trình, dự án cụ thể tại các địa phương… Tuy đạt được những kết quả khả quan như trên nhưng để làm sạch hết bom mìn con sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, ước tính cần kinh phí trên 10 tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ LĐTBXH đã thông tin về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật; việc thực hiện các chính sách trợ giúp với nạn nhân bom mìn; phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn…

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc mất hơn 100 năm mới có thể làm sạch hết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, ông Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm hành động khắc phục bom mìn Việt Nam cho biết: Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đang tích cực kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Nếu chúng ta huy động được nhiều nguồn lực thì diện tích đất đai bị ô nhiễm do bom mìn cần làm sạch hàng năm sẽ được tăng lên và thời gian làm sạch sẽ rút xuống. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của cả xã hội và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong nước và quốc tế để rút ngắn thời gian làm sạch bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Về việc thí điểm mô hình Trạm Y tế cấp xã hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết: Mô hình này được thí điểm trong giai đoạn 2011-2015 và đến nay đã có 10 xã; hiện đang hướng tới một mô hình cộng đồng vừa có năng lực cả về chăm sóc y tế, hướng dẫn phục hồi chức năng, kết hợp với trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn. Để xây dựng mô hình này, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các cơ quan chức năng để đánh giá, khảo sát, lựa chọn và thí điểm ở những địa phương có đông nạn nhân bom mìn. Cùng với đó, hỗ trợ, nâng cấp cơ sở vật chất, trong đó có cả phần trang thiết bị y tế phục hồi chức năng; đồng thời tập huấn cho nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng và cộng tác viên làm việc tại các đoàn thể về việc quản lý trường hợp nạn nhân bom mìn và hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Hiện nay, mô hình này ở các địa phương không chỉ cung cấp dịch vụ cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật, những người dân có nhu cầu trên địa bàn xã, mà họ còn cung cấp cho cả một cụm liên xã. Bước đầu mô hình này đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Xử lý an toàn quả bom nặng 340kg
Xử lý an toàn quả bom nặng 340kg

Ngày 30/3, lực lượng công binh thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu đã xử lý an toàn một quả bom nặng 340kg sót lại sau chiến tranh được người dân phát hiện tại xã An Phúc, huyện Đông Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN