Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Đặc biệt, số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam từ Congo thấp (sân bay Nội Bài dưới 10 người, Tân Sơn Nhất khoảng 20 hành khách; Đà Nẵng không có hành khách nào). Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết tại cuộc họp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam) chiều 4/6, tại Hà Nội.
Theo Phó Cục trưởng Đặng Quang Tấn, bệnh do vi rút Ebola ghi nhận lần đầu tiên tại Congo năm 1976. Năm 2014-2016, dịch bùng phát lớn tại 3 nước khu vực Tây Phi. Dịch bệnh tái bùng phát tại Congo từ đầu tháng 4/2018; đến ngày 29/5/2018 đã ghi nhận 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola, trong đó 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 47%).
Trước tình hình đó, ngay từ năm 2014, Việt Nam đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật như: Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Ebola; qui trình giám sát bệnh do vi rút Ebola; qui trình giám sát, khai báo các đối tượng đi từ vùng dịch Ebola tại tất cả các cửa khẩu quốc tế. Đồng thời, ngành y tế đã thực hiện giám sát tại cộng đồng, bệnh viện, cửa khẩu; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại tuyến trung ương và tuyến tỉnh về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh; diễn tập tại thực địa (bệnh viện, cửa khẩu). Đặc biệt, tại cửa khẩu, ngành y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đã triển khai áp dụng tờ khai y tế, giám sát thân nhiệt hành khách, khám sàng lọc hành khách nghi ngờ, cách ly y tế đối với hành khách nghi ngờ và lấy mẫu xét nghiệm.
Ngay khi có thông tin ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola tại Congo tháng 4/2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh do vi rút Ebola, tăng cường giám sát tại cộng đồng, bệnh viện, cửa khẩu; đồng thời, chỉ đạo các trung tâm kiểm dịch y tế, trung tâm phòng chống dịch bệnh các tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu. Như vậy, Việt Nam đã có kế hoạch, hệ thống phòng chống dịch bệnh sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh do vi rút Ebola từ hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly đến điều trị ...
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ tháng 4/2018, dịch bệnh do vi rút Ebola lại tiếp tục được ghi nhận tại Congo với qui mô nhỏ nhưng số trường hợp tử vong cao. Qua đánh giá tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch bệnh do vi rút Ebola xâm nhập vào nước ta thấp. Nguyên nhân là do các trường hợp mắc bệnh ở Congo tập trung ở vùng hẻo lánh, ít khách du lịch và có điều kiện đi lại khó khăn. Hiện tại, các quốc gia lân cận và các quốc gia khác chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola. Tuy nhiên, không loại trừ việc ghi nhận trường hợp mắc bệnh Ebola về nước ta từ vùng có dịch nên Việt Nam không chủ quan với diễn biến dịch bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, để phòng bệnh hiệu quả, Bộ Y tế tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế để nắm bắt tình hình dịch bệnh và đánh giá nguy cơ. Đồng thời, ngành y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát tại cửa khẩu (mới chỉ áp dụng đo thân nhiệt hành khách, chưa áp dụng tờ khai y tế). Đặc biệt, năm nay bắt đầu có vắc xin và đang được thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa vào triển khai rộng rãi. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng cần rà soát lại Kế hoạch phòng chống bệnh do vi rút Ebola, bổ sung tình huống nào cần cho sử dụng vắc xin. Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường đào tạo, tập huấn cho các bộ y tế về giám sát phát hiện ca bệnh, phương thức dự phòng và điều trị bệnh. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường, theo dõi giám sát các dịch bệnh khác như: tay chân miệng, cúm A(H1N1), cúm A(H7N9), sốt xuất huyết, bệnh do vi rút MER-CoV...