Theo Tiến sỹ Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nghiên cứu về lượng giá dịch vụ tại Vườn Quốc gia Pù Mát cho thấy, tổng số có khoảng 24.773 hộ gia đình đang sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia này. Tiến sỹ Lại Văn Mạnh cùng nhóm nghiên cứu đã khảo sát, lượng giá được giá trị gỗ (từ rừng trồng sản xuất) của Vườn Quốc gia Pù Mát ước tính trung bình khoảng 0,868 triệu đồng/ha, tương đương với 37,66 USD/ha. Bên cạnh đó, măng rừng cũng là một trong những lâm sản ngoài gỗ tiêu biểu tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Măng tre, nứa tự nhiên trong rừng vừa là nguồn thực phẩm quan trọng của người dân địa phương, vừa tạo nguồn thu nhập bổ sung, tạo việc làm cho phụ nữ, thanh niên dân tộc.
Kết quả khảo sát cho thấy có tới 51,9% các hộ gia đình được khảo sát có vào rừng khai thác măng. Thời gian khai thác là khoảng tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Số ngày khai thác mỗi tháng dao động từ 6 - 15 ngày. Giá trị măng rừng trong Vườn Quốc gia đã khai thác được quy đổi theo đơn vị diện tích là 393,74 nghìn đồng/ha, tương đương với 17,08 USD/ha. Tính chung các giá trị: giải trí, cảnh quan, giáo dục, du lịch... tổng lượng carbon lưu trữ của Vườn Quốc gia Pù Mát là 26,227 triệu tấn, tương ứng với tổng lượng CO2 đã được hấp thụ bởi Vườn Quốc gia Pù Mát là 96,167 triệu tấn; ước tính giá trị lưu trữ carbon của Vườn Quốc gia Pù Mát lên đến 11.059,7 tỷ đồng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, Vườn Quốc gia Pù Mát có đóng góp rất lớn cho con người, nền kinh tế và môi trường của tỉnh Nghệ An. Vườn cung cấp rất nhiều loại hàng hóa và dịch vụ có giá trị. Tổng giá trị kinh tế của một số loại dịch vụ hệ sinh thái ước đạt 12.813,36 tỷ đồng. Giá trị cung cấp về gỗ, măng rừng và du lịch của Vườn là 90,67 tỷ đồng (trung bình 0,5 triệu đồng/ha, đạt 0,71% tổng giá trị). Giá trị nhóm dịch vụ điều tiết của Vườn là 12.722,7 tỷ đồng (trung bình 69,85 triệu đồng/ha, tỷ lệ đạt 99.29% tổng giá trị), giá trị lưu trữ carbon là 11.059,7 tỷ đồng (trung bình 60.72 triệu đồng/ha), giá trị điều tiết nước cho sản xuất thủy điện là 1.663 tỷ đồng, chiếm 12,98% tổng giá trị kinh tế của Vườn.
Tiến sỹ Lại Văn Mạnh cho rằng, chính sách phù hợp sẽ tạo ra các nguồn lực tài chính cho bảo tồn, duy trì, phát triển đa dạng sinh học ở Việt Nam, do đó cần xây dựng thí điểm chính sách đảm bảo tài chính hoạt động ổn định cho các chủ rừng thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng; tăng cường giáo dục nhận thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; đồng thời các giá trị của nguồn vốn tự nhiên ở Pù Mát cần được sử dụng cho phát triển sinh kế bền vững của người dân trong vùng.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Việt Nam tự hào là một quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, với sự đa dạng về hệ sinh thái, loài, nguồn gen, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý hiếm, đặc hữu chỉ phân bố tại Việt Nam. Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học, Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật được xác định. Trong đó, có khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, khoảng 10.900 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác…
Tuy vậy, nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép, một vấn đề được coi là một loại hình tội phạm nghiêm trọng bởi những tác động của hoạt động này không chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo tồn mà liên đới tới nhiều lĩnh vực khác cũng như không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà ở quy mô toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để cải thiện hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng như bảo tồn các loài hoang dã nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự được như mong đợi. Một trong số những nguyên nhân chính khiến các hoạt động không đạt được hiệu quả như mong muốn là chưa có sự vào cuộc đồng bộ hay cách tiếp cận hiệu quả để huy động sự tham gia tích cực, thúc đẩy vai trò của các bên trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, loài hoang dã nói riêng.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ của toàn xã hội vì bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, sự tham gia của mỗi thành phần trong xã hội là một phần của giải pháp giúp Việt Nam hướng đến tương lai phát triển bền vững gần hơn. Sự hợp tác giữa các thành phần kinh tế, khu vực công - tư, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương sẽ trở thành xương sống trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các loài hoang dã. Đây cũng là nền tảng để phát huy hiệu quả việc triển khai các sáng kiến, chiến lược, kế hoạch từ cấp trung ương đến địa phương.
Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” là một sáng kiến như vậy. Đây là dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai trong 3 năm 4 tháng, từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2022 do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của dự án bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên; với 3 hợp phần chính, bao gồm: Hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng; tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật quốc gia, các cơ quan quản lý bảo tồn để giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài nguy cấp; tăng cường mối quan hệ đối tác, mở rộng quy mô và thể chế hóa các chiến dịch, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp. Qua việc triển khai các Hợp phần, Dự án đã xây dựng, phát triển được diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã như là nền tảng và mạng lưới để kết nối những nỗ lực thúc đẩy vai trò của các đối tác trong nước, quốc tế.
Để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên một cách hiệu quả, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng Việt Nam cần một chiến lược tiếp cận toàn diện để kết nối với các bên thông qua việc hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể như xây dựng chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức đến xây dựng các chương trình phối hợp lâu dài. Từ đó huy động nguồn lực tổng hợp, tạo ra được tác động cộng hưởng cho việc thực hiện các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững.
Bài 2 - Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học