Nhóm lao động Việt Nam tại Algeria đầu tiên đã về nước:

Về thì mừng, nhưng nghĩ đến nợ lại lo

Đặt chân đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) chiều 17/11, nhiều người trong nhóm 13 lao động đầu tiên của Công ty Simco Sông Đà từ Algeria về nước thốt lên: “Vậy là thoát rồi”. Anh Nguyễn Khắc Đức (Thạch Thất, Hà Nội) nói thêm: “Ở bên đó ngày nào là nơm nớp lo sợ ngày đó”.


Hành trình dài vất vả

Để về nước, nhóm 13 lao động nói trên đã trải qua hành trình khá vất vả. Theo lịch trình, nhóm sẽ đi từ Alger sang Dubai, qua Bangkok, rồi về Hà Nội, khởi hành từ Alger lúc 16 giờ 30 giờ địa phương (tức 22 giờ 30 giờ Hà Nội) ngày 15/11 trên chuyến bay AH - 4062 và dự kiến sẽ về đến sân bay Nội Bài lúc 18 giờ ngày 16/11. Tuy nhiên đến đầu giờ chiều ngày 17/11, nhóm mới về đến Hà Nội.

Lý giải việc về muộn, anh Nguyễn Khắc Đức cho biết: Nhóm đến sân bay Dubai quá gấp, chỉ còn 45 phút để lên chuyến kế tiếp, sân bay thì rộng, lại không biết tiếng, xe ô tô chở đoàn đi lòng vòng đã hết 15 phút, do đó bị lỡ chuyến. Hãng hàng không phải sắp xếp cho đi các chuyến sau. Cũng vì vậy, nhóm bị tách thành hai tốp, 1 người đi về đến Bangkok chiều qua và 12 người tối qua mới về đến Bangkok. Sau đó, cả 13 người mới ghép đoàn từ Bangkok để về Hà Nội.

Anh Nguyễn Khắc Đứcmột trong 13 lao động đầu tiên từ Algeria về nước chiều 17/11. Ảnh: Hải Yến-TTXVN

Anh Nguyễn Hữu Cẩn (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết: Công ty chỉ mua vé máy bay, chứ không hỗ trợ tiền ăn và chưa thanh toán tiền ăn còn thiếu cho lao động, nên lao động không có tiền ăn trên đường về. Số tiền ăn còn thiếu nhóm lao động này phải nhờ đồng nghiệp ở lại lấy giúp. “Cả đoàn chúng tôi hết tiền nên nhịn đói từ hôm qua đến giờ, lên máy bay mới được ăn, còn lại hơn chục tiếng đồng hồ ở sân bay chỉ có uống nước cầm hơi”, anh Cẩn chia sẻ.

“Chúng tôi về đến sân bay Nội Bài là mừng lắm rồi, giờ chúng tôi lo cho 38 anh em đang kẹt ở bên đó”, anh Nguyễn Khắc Đức tâm sự. Anh Đức mở điện thoại cho phóng viên xem tin nhắn của mấy người còn kẹt lại với nội dung: Nếu công ty Simco Sông Đà không chuyển tiền cho phía Trung Quốc thì họ sẽ không làm thủ tục cho về nước, dù thời gian lịch bay kế tiếp là ngày 18/11.

Nỗi lo nợ nần

Để về nước, mỗi lao động phải bồi thường cho chủ lao động Trung Quốc 1.700 USD, Simco Sông Đà đã tạm ứng trả trước khoản tiền này cho người lao động. Anh Trần Xuân Thắng (quê Thanh Hóa, sinh năm 1974) cho biết: “Lúc đi, tôi phải đóng 47,7 triệu đồng, nay bồi thường 1.700 USD (tương đương 35 triệu đồng) thì lấy đâu ra”. Anh Nguyễn Văn Cường (Ứng Hòa, Hà Nội) cũng trong tâm trạng tương tự khi nghĩ đến số tiền phải bồi thường, tuy nhiên anh Cường khẳng định: “Chúng tôi không sai vì trong hợp đồng ghi là làm việc công nhật, khi xảy ra bất đồng, phía chủ sử dụng cũng không đàm phán cụ thể là mức như thế nào và còn bỏ đói chúng tôi và xô xát. Chúng tôi đề nghị xuống đo cụ thể khối lượng công việc, họ cũng không làm. Do đó để an toàn, chúng tôi muốn về nước.

Anh Trần Văn Hóa (Con Cuông, Nghệ An) cho biết: Về mức bồi thường, các lao động sẽ đợi tất cả nhóm anh em đang ở Algeria về nước trong những ngày tới để thống nhất phương án giải quyết.

Theo các lao động phản ánh, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật, được trả lương tháng, nhưng khi sang đến Algeria thì lại bị phía chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán. Địa điểm làm việc cũng không giống trong hợp đồng ký tại Việt Nam. Về phía Công ty Simco Sông Đà, công ty đã hẹn lao động đến giải quyết thanh lý hợp đồng vào ngày 16/12.

Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề về nhóm 55 lao động Việt Nam tại Algeria bị chủ sử dụng lao động Trung Quốc hành hung, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Nếu người lao động có nguyện vọng về nước, phía doanh nghiệp phái cử Simco Sông Đà phải có trách nhiệm chi trả thay cho người lao động (tiền bồi thường, vé máy bay...). Sau khi về nước, các bên sẽ căn cứ vào hợp đồng và sai phạm cụ thể để chia sẻ mức độ rủi ro”.

Theo lịch trình, hai nhóm tiếp theo, mỗi nhóm 18 người, dự kiến sẽ về nước trong các ngày 18 và 20/11. Đối với 7 lao động có nguyện vọng muốn ở lại tiếp tục làm việc thì được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.

PV
Nhóm 13 lao động Việt đầu tiên tại Algeria về nước
Nhóm 13 lao động Việt đầu tiên tại Algeria về nước

Chiều 15/11, nhóm 13 lao động đầu tiên trong số 49 lao động do Công ty cổ phần Simco Sông Đà cử tuyển sang Algeria làm việc liên quan đến vụ việc bị nhà thầu Trung Quốc hành hung bỏ đói, rời Algiers về nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN