Ghi nhận tại tuyến phố Thái Hà (quận Đống Đa), sau 4 năm đưa vào khai thác, làn đường dành riêng cho người đi bộ rơi vào cảnh nhếch nhác, ít người qua lại. Các lối vào làn đường đi bộ thường xuyên bị "bịt kín" bởi ô tô, xe ba gác đỗ tràn lan. Nhiều điểm tập kết rác tự phát tràn lan trên đường phát sinh nước rỉ rác và mùi xú uế gây mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Chị Nguyễn Thanh Hoa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Bên ngoài đường Thái Hà, lượng phương tiện rất đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc, trong khi làn đường cho người đi bộ lại vắng vẻ, thành nơi tập kết rác, xe rác. Sau mỗi lần trời mưa to là nhiều đoạn đường lại ngập hết, khiến người đi bộ khó khăn, mùi rác thải thì cứ phảng phất cả ngày rất khó chịu".
Tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở mới được khai thác, sử dụng từ ngày 1/2/2024, đến nay cũng rơi vào cảnh đìu hiu, vắng bóng người qua lại, đối lập hẳn với cảnh đông đúc, nhiều phương tiện chen chân nhích từng chút một bên ngoài đường Láng, nhất là giờ cao điểm.
Nhiều nguyên nhân được người dân chỉ ra như lối ra vào không thuận tiện cho xe đạp, nước sông Tô Lịch và các điểm tập kết rác bốc mùi xú uế, buổi tối là thời gian đạp xe thư giãn nhưng hệ thống chiếu sáng chưa đáp ứng...
Trước đó, làn đường ven sông Tô Lịch được đầu tư gần 65 tỷ đồng, đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 và dành riêng cho người đi bộ, nhưng do có quá nhiều xe máy đi vào nên Hà Nội đã rào chắn 2 đầu tuyến đường để cấm xe đi vào. Sau đó, từ đầu năm 2024, đường được tu sửa để phục vụ thêm làn đường xe đạp với kỳ vọng giảm tải ùn tắc và thu hút người dân đến tập thể dục, đi dạo.
Theo các chuyên gia, xe đạp hiện vẫn chủ yếu được sử dụng cho mục đích rèn luyện sức khỏe vì vậy để thu hút người sử dụng thì cơ chế quản lý và vị trí xây dựng các làn đường dành riêng cho xe đạp cần phải tính toán thêm yếu tố môi trường, sức khỏe.
Chuyên giao giao thông Thân Văn Thanh chia sẻ: "Làn đường dành riêng cho xe đạp nên bố trí xung quanh các công viên lớn, nhiều cây xanh để tạo thuận lợi cho người dân tập thể dục. Vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan là yếu tố quan trọng để dễ thu hút người dân hơn".
Còn chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Các tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp hiện nay còn quá ít tiện ích dẫn đến việc hoạt động chưa hiệu quả. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, bổ sung thêm các tiện ích như điểm đỗ xe, máy bán nước tự động, trang trí cảnh quan... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần quyết liệt ngăn chặn, xử phạt đối với các trường hợp đỗ xe tràn lan, tập kết rác bừa bãi trên các làn đường tiện ích này".