Gắn biển cấm dừng đỗ
Những năm qua, người dân thành phố cũng rất bức xúc trước tình trạng xe khách đậu lấn chiếm lòng đường, gây ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm thành phố. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Sở GTVT thành phố đã gắn biển báo cấm xe trên 9 chỗ dừng, đậu tại các tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Đề Thám (quận 1), Lê Hồng Phong (quận 5, 10).
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại đường Lý Nam Đế, quận 11, TP Hồ Chí Minh. |
Đây được xem là giải pháp xóa nạn “bến cóc, xe dù” nhằm giảm thiểu tình trạng lấn chiếm lòng đường, chỉnh trang bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, giải pháp mà Sở GTVT thành phố vừa triển khai không thể xử lý triệt để. Đối phó với lệnh cấm của cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng xe cỡ nhỏ để trung chuyển hành khách sang khu vực khác đưa lên xe khách, làm mất trật tự an toàn giao thông. Cụ thể là trong những ngày 22, 23, 24/3, ghi nhận trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) mặc dù đã cắm bảng cấm dừng, đỗ xe khách từ 6 - 10 giờ và từ 16 - 20 giờ nhưng ngay vào giờ cấm các xe khách vẫn ung dung đậu chờ đón khách.
Được biết, từ ngày 1/1 đến 18/3, Thanh tra Sở GTVT thành phố đã xử lý tổng cộng 345 hành vi vi phạm, phạt tiền lên đến trên 391 triệu đồng. Trong đó có 110 vụ đón, trả khách không đúng nơi quy định, 31 vụ đón, trả khách tại nơi cấm dừng, đỗ và 204 vụ xe khách tuyến cố định không chạy đúng hành trình. Tuy vậy con số xử phạt nói trên chỉ phản ánh một phần thực trạng hoạt động của xe dù bến cóc.
Để xóa xổ “bến cóc, xe dù” ngay trung tâm thành phố, việc xem xét điều chỉnh các quy định pháp luật để triệt tiêu các nhà xe núp bóng “open tour” và đồng thời đưa tất cả những nhà xe này vào hoạt động trong bến là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Sở GTVT thành phố cũng cần khảo sát các điểm từ bến xe miền Tây đi các tỉnh miền Đông, hình thành những điểm đón trả khách trên đại lộ Võ Văn Kiệt, Khu du lịch Suối Tiên... nhưng phải có quy chế hoạt động tại các điểm này để không hình thành tiếp những tụ điểm “bến cóc”.
Vừa qua Sở GTVT đã nghiên cứu dành một phần diện tích ở công viên 23/9 để đưa các xe chạy hợp đồng, du lịch ở khu vực đường Phạm Ngũ Lão vào hoạt động, việc này đã có tác dụng tốt, lập lại trật tự giao thông ở đường Phạm Ngũ Lão. Tuy nhiên để tạo điều kiện phát triển hoạt động du lịch của thành phố, Sở GTVT cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm vị trí khác như công viên 23/9 để đáp ứng nhu cầu.
Lập lại trật tự trên tuyến đường kiểu mẫuGhi nhận của phóng viên báo Tin Tức, tại TP Hồ Chí Minh, lòng lề đường ở rất nhiều tuyến đường ở các quận, huyện trung tâm bị lấn chiếm bởi hoạt động kinh doanh của các hàng quán. Tại tuyến đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) vào buổi chiều tối, hàng chục quán ăn bày biện bàn, ghế chiếm dụng hết lề đường để buôn bán khiến quang cảnh khu vực này trông rất nhếch nhác, lộn xộn. Thậm chí nhân viên của các quán này còn tràn xuống lòng đường để vẫy khách gây mất trật tự an toàn giao thông. Nhiều người dân đi bộ qua tuyến đường này không còn cách nào khác phải đi dưới lòng đường dù lưu lượng phương tiện giao thông di chuyển dầy đặc.
Xe khách chạy tuyến cố định đậu trên đường Mai Chí Thọ (quận 2) để chờ khách. |
Tương tự tại tuyến đường Thành Thái, hàng loạt các quán nhậu cũng biến vỉa hè thành không gian riêng để phục vụ thực khách hay lề đường dành cho người đi bộ dọc tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (đoạn quận 10, Tân Bình), Nguyễn Trãi (quận 5) cũng “biến mất” do hàng chục điểm bày bán quần áo thời trang, phụ kiện điện thoại di động, mũ bảo hiểm... Còn tại quận 11, đường Vĩnh Viễn, Lý Nam Đế đã trở thành khu “chợ trời” bán đủ món hàng cũ, nát, hư hỏng khiến khu vực dân cư này không chỉ mất phần vỉa hè cho người đi bộ mà còn mất an ninh trật tự nghiêm trọng.
Theo ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường tại địa bàn, quận đã giao cho các phường chủ động xác định các “điểm nóng” và đưa ra giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên. “Tuy nhiên khi có lực lượng ra quân khu vực nào thì khu vực đó chấp hành tốt nhưng sau đó thì tình trạng này lại tái diễn. Vì vậy, công tác này phải được triển khai thường xuyên. Như tuyến đường Nguyễn Trãi, đây là tuyến đường có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán khá phức tạp. Hiện nay, luôn có lực lượng túc trực tới 10 giờ tối, sau 10 giờ lực lượng này mới rút”, ông Huy cho biết.
Còn theo đại diện một số UBND quận khác cho biết, khó khăn là đa số người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè là những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân nghèo từ các tỉnh đổ về. Cho nên giải pháp trước mắt chỉ là quy định thời gian bán hàng và tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh vỉa hè, lòng đường để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND thành phố, cho rằng, đến nay Quyết định 74 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố ban hành năm 2008 vẫn còn hiệu lực. Do vậy các địa phương phải tiếp tục thực hiện và tăng cường quản lý. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thực hiện hết được, các địa phương phải lập lại trật tự trên những tuyến đường kiểu mẫu đã đăng ký, từ đó mới tính chuyện mở rộng ra các tuyến đường khác.
Được biết từ năm 2012, 24 quận, huyện và một số sở, ngành đã cam kết thực hiện quyết tâm của UBND thành phố sẽ chấn chỉnh nạn lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, đỗ xe, giữ xe trên 159 tuyến đường được xem là kiểu mẫu. Nhưng đến thời điểm này, không ít những tuyến đường kiểu mẫu mà các địa phương đưa vào diện chấn chỉnh, tình hình vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã có chủ trương vỉa hè không được cho thuê để sử dụng cho các mục đích khác. Theo ông Hoan, đây là một giải pháp để nghiên cứu triển khai thực hiện trong giải quyết bài toán lập lại trật tự lòng lề đường trong thời gian tới.