Vận dụng sáng tạo, đổi mới cách tuyên truyền chính sách dân tộc trong tình hình mới

Theo Ủy ban Dân tộc, công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những thay đổi đáng kể về nhận thức, thái độ, hành vi của người dân sống ở vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền thời gian tới cũng cần thay đổi để thích ứng với tình hình mới hiện nay.

Chú thích ảnh
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc chia sẻ tại hội thảo.

Tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức  hội thảo khoa học "Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông".

Chia sẻ tại hội thảo, TS Võ Thị Mai Phương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến 31/12/2020, Việt Nam có 779 cơ quan báo chí; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; hàng nghìn trang thông tin điện tử và hàng trăm mạng xã hội trực tuyến. Các cơ quan báo chí lớn, trực thuộc Chính phủ đều có ấn phẩm phục vụ vùng dân tộc thiểu số (DTTS). 

Hình thức thông tin về vấn đề của các vùng DTTS được các báo luôn quan tâm đổi mới. Điều đó thể hiện qua việc các báo đã sử dụng nhiều thể loại để truyền tải thông tin. “Các báo sử dụng linh hoạt các tin, bài khác nhau, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu góp phần nâng cao hiệu quả thông tin của các bài viết, tránh được phần nào sự khô khan, đơn điệu. Đã có nhiều đổi mới trong hình thức trình bày các tin, bài, trừ các tin ngắn ra, các tin bài của các báo đều được trình bày rõ ràng, có ảnh minh họa, chú thích ảnh đầy đủ”, TS Võ Thị Mai Phương đánh giá.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy Ban Dân tộc, các bộ, ngành, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị các cấp địa phương đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong chỉ đạo, cung cấp thông tin và xử lý các tình huống xảy ra. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác thông tin tuyên truyền với các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trước đây và các tỉnh có đông đồng bào DTTS, nhất là trong định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.  

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của các đảng bộ xã vùng DTTS trong những năm qua đã đi vào nền nếp, bám sát cơ sở, bước đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn và trình độ nhận thức, yêu cầu của người dân ở mỗi xã, thực sự là một trong những kênh thông tin quan trọng, có hiệu quả cao của công tác truyền thông. 

“Công tác truyền thông được đầu tư mạnh mẽ, có nhiều lực lượng tham gia; kết quả là đã tạo ra những thay đổi đáng kể về nhận thức, thái độ, hành vi của người dân sống ở vùng DTTS về các vấn đề trong đời sống xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Bà con vùng DTTS tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, xây dựng nông thôn mới; thực hiện nhiều dự án, chương trình đầu tư, hỗ trợ, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật”, TS Võ Thị Mai Phương cho hay.

Đánh giá về hiệu quả công tác truyền thông về DTTS, ông Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền chính sách dân tộc đến với đồng bào. Tuy nhiên, đến nay chưa có đề tài tổng thể đánh giá công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, do đó hội thảo khoa học "Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông" nhằm lấy ý kiến của các cơ quan truyền thông về vấn đề này để tiếp tục hoàn thiện, đề ra chính sách về DTTS, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì.

Đổi mới thích ứng với tình hình mới

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Tổng biên tập Báo Công Thương cho biết, thời gian qua công tác tuyên truyền cho vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn do giao thông một số vùng khó khăn nên việc phát báo đến một số xã, thôn bản còn chậm. Cùng với đó, kinh phí cấp cho các báo còn chậm, việc điều chỉnh kinh phí giữa kỳ cũng phần nào gây khó khăn cho công tác xuất bản của cơ quan báo chí. 

Còn ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện báo Tài nguyên và Môi trường đánh giá, hạn chế hiện nay là một số sản phẩm tuyên truyền trên các ấn phẩm nói chung còn mang đậm tính thông tấn cứng nhắc, nội dung tuyên truyền đơn điệu, ngôn ngữ học thuật, chưa phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào DTTS. Do đó, ông Nguyễn Việt Hùng đề xuất Ủy ban Dân tộc nên tổ chức thêm những buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, đi thực tế cho các phóng viên để hiểu hơn về chính sách, đời sống người dân vùng DTTS để công tác tuyên truyền gần với người dân hơn.

Ông Vũ Xuân Cường, đại diện Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết, báo đã có sự đồng hành lâu dài với chương trình tuyên truyền cho vùng đồng bào DTTS trong thời gian qua. Để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền trong thời gian tới, báo Tin tức đề xuất tham gia “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”: Phát hành Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi hàng tuần, cho các đối tượng theo Đề án đã trình Ủy ban Dân tộc.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan báo chí cũng đề xuất, bên cạnh nâng cao chất lượng, cũng cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Bên cạnh các hình thức truyền thông bằng báo in, truyền hình, phát thanh cần đưa thêm các hình thức khác như chiếu phim, triển lãm, phương thức truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội, internet…Cùng với đó, đưa đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, già làng, trưởng bản, công an, biên phòng… tham gia vào quá trình tuyên truyền cho bà con. 

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho rằng, hoạt động truyền thông về pháp luật, chính sách của Nhà nước, đường lối của Đảng đối với đồng bào DTTS và miền núi, biên giới trong bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới cần được quan tâm, đổi mới về phương thức, nội dung mới có thể nâng cao hiệu quả, chất lượng đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ để ra.

Ngày 9/1/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc”Cấp một số ấn phẩm báo,tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021. Theo PGS.TS Lê Ngọc Thắng, năm 2021, Quyết định đã hết hạn, đây cũng là dịp để nhìn lại và có những kiến giải mới đề nâng cao hiệu quả truyền thông đối với vùng DTTS và miền núi nói chung trong thời gian tới.

“Các ấn phẩm truyền thông cần lưu ý đến tính đặc thù của từng vùng dân tộc để có cách truyền thông cho hiệu quả. Một trong những rào cản lớn hiện nay là ở nhiều nơi, tỷ lệ đồng bào DTTS biết tiếng Việt còn chưa nhiều, làm hạn chế tiếp cận thông tin, do đó, cần phải xây dựng chương trình đào tạo thế hệ dân tộc thiểu số mới là lớp trẻ hiện nay. Điều này rất cần những thể chế, chính sách liên quan mới làm được và sự vào cuộc của truyền thông là không thể thiếu”, PGS.TS Lê Ngọc Thắng cho biết.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền khẳng định những ấn phẩm chuyên đề dân tộc miền núi của các báo vẫn phát huy tác dụng tuyên truyền tới đồng bào tại miền núi, vùng cao, nhất là với già làng, trưởng bản, người uy tín, lãnh đạo chính quyền cấp xã. Do đó, Ủy ban Dân tộc tiếp tục đề xuất chương trình hợp tác với các báo tuyên truyền trong các năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN