Trong khuôn khổ Diễn đàn ĐBSCL năm 2015, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần hình thành một cơ quan điều phối chung để liên kết các tỉnh, thành phố trong khu vực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.Biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữuVới diện tích chỉ chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với số dân trên 17 triệu người, nhưng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hàng năm đóng góp đến 27% GDP với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ước tính riêng ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ở ĐBSCL đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cho hơn 6 triệu dân trong vùng. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với các thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Rừng bần phòng hộ ven biển tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng) góp phần tạo thêm việc làm ngắn hạn cho trên 50 lao động nông thôn tại xã Trung Bình (Trần Đề). Ảnh: Trung Hiếu – TTXVN |
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ có thể tăng khoảng 2 - 3 độ C, mực nước biển sẽ có thể dâng 1m. Khi đó, sẽ có khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển của Việt Nam sẽ bị ngập. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp với tổn thất khoảng 10% GDP.
Riêng ngành nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định của vùng. Trước hết, nhiều vùng ven biển đang bị sạt lở nghiêm trọng, hàng năm lấy đi trên 1.000 ha diện tích đất là không gian sống và sản xuất của người dân trong vùng. Về lâu dài dự báo sẽ còn có nhiều tác động bất lợi nghiêm trọng khác ảnh hưởng tới khu vực.
Nêu ra các thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang chỉ rõ các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các áp lực ngày càng lớn của sự phát triển kinh tế - xã hội còn chưa thực sự bền vững. Đó là việc quy hoạch tổng thể vùng gắn với yếu tố biến đổi khí hậu chưa được đề cập đúng mức; nhận thức về biến đổi khí hậu còn hạn chế; nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu. Các dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu còn dàn trải, thiếu tính liên vùng, liên ngành và dài hạn, nhất là đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng. Từ phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, cần phải xây dựng một lộ trình, trong đó có các kịch bản khác nhau, về đường lối phát triển cho khu vực này, kết hợp với các kịch bản phát triển khác như phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển thượng nguồn... để có thể lựa chọn đường lối phát triển tốt nhất cho khu vực này.
Đẩy mạnh liên kết để ứng phó hiệu quảĐể phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL, ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, việc đầu tiên là phải rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch trên tất cả các lĩnh vực từ hạ tầng giao thông cho đến sản xuất. “Đây không phải là vấn đề đối phó với biến đổi khí hậu, bão lũ hay nước biển dâng mà phải có thái độ thích ứng. Trước đây, ĐBSCL đã sống chung với lũ, còn với tình hình khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp hiện nay thì khu vực này phải sống cho “phù hợp” với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng các đô thị, cụm tuyến dân cư, tổ chức cuộc sống và sản xuất cho vùng này phải tính đến yếu tố tác động của biến đổi khí hậu”, ông Dương Quốc Xuân nói.
Thu hoạch lúa đông xuân 2014 - 2015 tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN
|
Theo ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình và phi công trình cấp bách để ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời rà soát lại tất cả các dự án từ hệ thống giao thông, thủy lợi cho tới nhà ở để phù hợp với kế hoạch ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, địa phương cũng đang gặp phải “sự cố” khi chỉ đơn lẻ triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong tương lai, các hệ thống đê dù có đắp cao đến đâu, xâm nhập mặn vẫn xảy ra và việc đầu tư của Bến Tre chỉ là giải pháp trước mắt nếu các tỉnh, thành phố khác trong khu vực không triển khai các biện pháp ứng phó cũng như có kế hoạch thích ứng chung cho cả khu vực.
Trong điều kiện hiện nay, các tỉnh trong vùng có cơ cấu kinh tế còn nặng về sản xuất nông nghiệp, đây lại là lĩnh vực khá nhạy cảm, chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các địa phương lại không có nguồn lực dự trữ để tự đầu tư các công trình, dự án trọng điểm cho toàn vùng. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương cũng như sự tài trợ các tổ chức quốc tế trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia có năng lực về biến đổi khí hậu để hỗ trợ, tham mưu cho lãnh đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn có đủ thông tin để xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan trên địa bàn. Đối với cán bộ và nhân dân trong vùng, cần có sự tuyên truyền mang tính khoa học để mọi người có thể hiểu được những tác động, tổn thương do biến đổi khí hậu mang đến cho vùng; từ đó việc tổ chức sản xuất, cuộc sống phải chuẩn bị tinh thần theo hướng này.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với thiên nhiên, biến đổi khí hậu, không thể một địa phương, một tỉnh có thể tự thân lo trong ranh giới nội tỉnh mà phải xem xét trên toàn vùng và yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần có một "nhạc trưởng" để có sự "chỉ huy" thống nhất, đồng bộ. Chẳng hạn, khi có một chương trình phát triển của địa phương, cần gắn với các tỉnh lân cận; thậm chí đối với các tỉnh ven biển phải thực hiện kế hoạch chống sạt lở của cả nước chứ không chỉ riêng khu vực của mình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với thói quen phát triển rời rạc, sẽ khó để các địa phương có thể “bắt tay” với nhau trong việc chống chọi với biến đổi khí hậu.
Theo ông Dương Quốc Xuân, các địa phương phải thật sự thấy rằng “không liên kết thì không có điều kiện để phát triển”. Lãnh đạo các địa phương phải thể hiện một nhận thức đúng đắn trong vấn đề này. Có thể các quyết định sẽ gây khó khăn, thiệt thòi cho địa phương trong một thời gian, nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho địa phương và cả khu vực. Các địa phương phải vượt qua vấn đề riêng tư này và bắt buộc phải có một tổ chức, cơ quan điều phối liên kết này. “Nếu được Trung ương giao thêm nhiệm vụ và điều kiện để thực hiện chuyên trách thì Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với cơ cấu tổ chức như hiện nay có thể thực hiện vai trò này”, ông Dương Quốc Xuân cho biết.
Hứa Chung