Ứng phó biến đổi khí hậu - đầu tư một, đỡ mất bảy

“Mưa phùn giảm rõ rệt, không khí lạnh ở Bắc bộ giảm, nhưng lại có các đợt rét dị thường; nắng nóng ở Trung và Nam bộ, mưa trái mùa và mưa lớn cũng bất thường hơn; El Nino và La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến thời tiết, khí hậu ở Việt Nam...”, là những báo cáo mới về rủi ro biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với Việt Nam được công bố tại Hội thảo quốc tế về Biến đổi khí hậu và khí hậu cực đoan, diễn ra ngày 17/8, tại Hà Nội.

 

Nguy cơ lớn, mức độ tổn thương cao


Các chuyên gia quốc tế về BĐKH tại hội thảo cho biết, theo một chỉ số mới về tính dễ bị tổn thương do các tác động của BĐKH trong vòng 30 năm tới, Việt Nam được xếp hạng thứ 23 trên tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 quốc gia có nguy cơ cực lớn về chịu tác động của BĐKH.


 

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và sự kiện khí hậu cực đoan tại Việt Nam.

 

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nếu mực nước biển dâng lên 1 m, Việt Nam sẽ có 11.000 km đường giao thông bị ngập nước. Nếu không có các biện pháp thích hợp, tổng chiều dài đường quốc lộ bị ngập lụt sẽ là 695 km, trong đó, đồng bằng sông Cửu Long có 495 km đường quốc lộ bị ngập lụt.


Khi mực nước biển dâng 1 m, cũng sẽ có 10,8% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng, tỉ lệ cao nhất trong các nước bị tác động do BĐKH được phân tích. Theo nghiên cứu của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (PICC), vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba điểm nóng “cực đoan” của toàn cầu về khả năng phải di dời dân do mực nước biển tăng.


Theo đó, đến năm 2050, có đến 1 triệu người có nguy cơ bị di dời khỏi đồng bằng này do lũ lụt và hạn hán lặp đi lặp lại tạo nên sự căng thẳng về vấn đề sinh kế. Đối với nông nghiệp, Việt Nam có 1,6 triệu ha đất nông nghiệp ở vùng ven biển, trong đó đất trồng lúa nước là 0,9 triệu ha bị ảnh hưởng. ADB dự báo, những ảnh hưởng của BĐKH và khí hậu cực đoan sẽ tác động tiêu cực đến nền sản xuất gạo và cà phê của Việt Nam sớm nhất là năm 2020.

 

Còn rất nhiều thách thức


Theo GS TSKH Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), thách thức lớn hiện nay nhận thức của cộng đồng về BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan còn hạn chế; thứ hai là sự phối hợp hành động giữa các bộ, ngành chưa đạt được sự đồng thuận cao nên chưa lồng ghép hiệu quả được chiến lược ứng phó với BĐKH trong chiến lược phát triển các ngành. Bên cạnh đó là các vấn đề công nghệ, nguồn tài chính để triển khai các chương trình, chiến lược ứng phó với BĐKH còn hạn chế.


Bà Meta, Giám đốc điều hành UNDP Việt Nam cho biết, các kết quả nghiên cứu về BĐKH cho thấy, đầu tư 1 USD cho phòng tránh thảm họa sẽ tiết kiệm được 7 USD trong việc phục hồi, khắc phục thiên tai.


Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đã trồng được 12.000 ha rừng ngập mặn từ năm 1994 đến 2002, tốn 1,1 triệu USD. Nhưng nhờ đó đã tiết kiệm được chi phí bảo trì đê biển hàng năm là 7,3 triệu USD.


Theo TS Pachauri, Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH, để giảm thiểu tác động của BĐKH đối với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần phải lồng ghép các hành động trong chiến lược ứng phó với BĐKH vào trong các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành khác.


Đối với người dân, đặc biệt là người nghèo, giải pháp hiệu quả là nâng cao đời sống kinh tế, để họ có nhiều điều kiện hơn chống chọi với BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan. “Nếu không có các biện pháp thích hợp và hành động ngay, BĐKH sẽ có khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo và tiếp tục kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển”, TS Pachauri nói.

 


Xuân Hương

Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác về biến đổi khí hậu
Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác về biến đổi khí hậu

Chiều 17/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Rajendra K. Pachauri, Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN