Rút ngắn thời gian truy xét
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long dẫn chứng, việc truy xét những người có nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay VN0054 ngày 2/3 phải mất 4 ngày để kiểm soát và cách ly số người liên quan. Sau khi áp dụng khai báo điện tử, việc truy xét người liên quan trên các chuyến bay có người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 chỉ mất 2 ngày; thời điểm hiện tại mất nửa ngày và tiến tới là 30 phút. Để làm được việc này bắt buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo nhập cảnh.
Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, cộng đồng ICT (doanh nghiệp thông tin truyền thông) vào cuộc mạnh mẽ, chia thành 3 giai đoạn: Từ 20/1 - 4/3 tập trung truyền thông; từ từ 4/3 - 12/3 triển khai bắt buộc khai báo y tế điện tử với tất cả khách nhập cảnh vào Việt Nam, ra mắt ứng dụng NCOVI và Vietnam Health Declaration – VHD, triển khai ứng dụng theo dõi lịch trình du khách sử dụng QR code trên VHD…; từ ngày 12/3 đến nay triển khai trên toàn quốc các ứng dụng đã ra mắt.
“Với 2 ứng dụng khai báo y tế, theo cập nhật đến sáng ngày 15/3, ứng dụng NCOVI có lượt tải trên Android và IOS là 330.000 lượt, số bản ghi khai báo y tế là 234.500 người. Với ứng dụng Vietnam Health Declaration, tổng số lượt tải trên Android và IOS là 253.600 lượt, tổng số lượt khai trên ứng dụng và web là 99.200 lượt”, ông Đỗ Công Anh cho biết.
Hướng dẫn về ứng dụng NCOVI, ông Đỗ Trần Anh, đại diện VNPT cho biết: Sau thời gian triển khai, có thể thấy, thanh niên tích cực tham gia do thành thạo công nghệ. Việc khai trung thực thông tin sẽ giúp cảnh báo về tình trạng sức khỏe của người khai và giúp cơ quan chức năng xác minh và khoanh vùng khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Dựa trên thông tin khai báo của người dân, sau khi ngành chức năng xác minh sẽ phản hồi và ra cảnh báo. Việc khai báo này sẽ được giám sát trên hệ thống y tế quốc và và chuyển đến hệ thống xã phường để người có nguy cơ nằm trong diện cách ly nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống y tế và theo dõi về tình trạng sức khỏe.
Còn đại diện Viettel cho biết: Việc khai báo đối với khách nhập cảnh là yêu cầu bắt buộc bằng 2 phương pháp là nhập từ trang web và quét QR code. Việc khai báo này sẽ giúp hệ thống giám sát y tế kiểm tra được hành trình của du khách ở Việt Nam, khi có dấu hiệu bất thường cần cách ly, lực lượng chức năng sẽ phản ứng đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Phát động phong trào khai báo y tế toàn dân
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: Dự liệu khai báo y tế sẽ được chuyển về Trung tâm giám sát đặt tại Bộ và dữ liệu hoàn toàn bảo mật. Dữ liệu khai báo này hoàn toàn phục vụ cho công tác chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao về y tế dự phòng cho biết: Đối với khai báo y tế tự nguyện thì cần có sự phát động phong trào trong toàn dân, có thể bắt đầu từ trường học, doanh nghiệp. Với cấp địa phương thì phải giao quyền xử lý thông tin khi nếu phát hiện khai báo có nguy cơ. Do đó, cần phân quyền cho địa phương.
“Đối với việc khai báo tại cửa khẩu thì phải có bộ phận xử lý kịp thời ngay tại cửa khẩu để cách ly. Từ tờ khai điện tử của khách phải có sàng lọc và cản ngay từ cửa khẩu. Nếu xử lý thông tin chậm, thì khách đã đi vào thành phố và các tỉnh thành, gây khó khăn trong việc tìm kiếm số người tiếp xúc gần”, ông Phu đề xuất.
Triển khai từ địa phương, đại diện Sở Y tế Tây Ninh cho biết, cấp xã, phường tại địa phương vẫn chưa cập nhật khai báo y tế toàn dân, nên cần hướng dẫn cụ thể. Còn đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Nếu khai báo tự nguyện rất ít người dân tham gia nên có hướng dẫn ở dạng bắt buộc. Đặc biệt, dữ liệu này nên có liên thông với hồ sơ sức khỏe toàn dân đang triển khai và đây sẽ là dữ liệu rất quan trọng. Do đó, cần có sự phân quyền trong xử lý thông tin từ tờ khai của người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, Việt Nam thực hiện khai báo y tế với hành khách đến từ châu Âu, Mỹ và thực hiện cách ly với khách đã qua khu vực này từ hôm 13/3 và từ 15/3 sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời ngay tại cửa khẩu, triển khai xét nghiệm nhanh. Việc khai báo y tế điện tử đối với tất cả khách quốc tế vào Việt Nam là động thái mạnh mẽ ngăn chặn dịch từ cửa khẩu. Nếu để đi sâu vào cộng đồng thì việc cách ly rất khó khăn và tốn kém. Thực tế, việc lây nhiễm với người nhà là qua bề mặt những vật dụng dùng chung ở trong nhà và vì vậy toàn bộ ngôi nhà đấy là phải dược cách ly.
“Do dó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là biện pháp mà tất cả các tuyến từ tỉnh, thành, quận huyện, xã, phường áp dụng để nhanh chóng xử lý kịp thời những người có nguy cơ lây nhiễm, đồng thời hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo.