Tại huyện Sơn Dương, những năm trở lại đây, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương. Huyện đã vận động người dân thay đổi giống chè năng suất chất lượng thấp bằng những giống chè có chất lượng cao hơn, chú trọng xây dựng thương hiệu cho cây chè, qua đó nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích. Hiện huyện Sơn Dương đã xây dựng được thương hiệu các giống chè nổi tiếng như: Chè Vĩnh Tân, Chè Trung Long, Chè Ngân Sơn.
Ông Phạm Ngọc Thảnh, thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết, cây chè là cây phát triển kinh tế mũi nhọn của thôn Vĩnh Tân. Do đó, các cán bộ vận động nhân dân tận dụng đất trống đồi núi trọc để tăng diện tích trồng chè, thay thế những giống chè năng suất và giá trị kinh tế thấp bằng những giống chè có năng suất và chất lượng cao hơn như chè Phúc Tiên, Ngọc Thúy, Bát Tiên, PT10…
Ngoài ra, một số hộ dân cũng áp dụng mô hình tưới ẩm tự động, giúp nâng cao năng suất và sản lượng chè búp. Hiện thôn đã xây dựng thành công thương hiệu chè Vĩnh Tân, nhờ đó mà chất lượng và giá trị cây chè được nâng cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Trong khi đó, tại xã Mỹ Bằng, với quỹ đất rộng, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, trong nhiều năm qua, xã đã tập trung phát triển cây chè gắn với việc hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Với diện tích gần 700 ha chè, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn chè búp tươi, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thanh, thôn Mỹ Bình xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang cho biết, gia đình ông hiện có khoảng 1,8 ha chè, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình từ 80 - 100 triệu đồng. Có được kết quả đó là nhờ gia đình được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc chè, đặc biệt là đưa các giống mới như chè PH, LDP1, PH8 thay thế một số diện tích chè trung du. Cây chè đã và đang giúp gia đình ông và nhiều hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo.
Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, cho biết, để nâng cao giá trị và chất lượng cây chè, xã vận động nhân dân thay đổi cơ cấu giống chè. Những giống chè già cỗi, năng suất thấp trước đây đã được thay thế bằng giống chè mới có chất lượng tốt và năng suất cao.
Ngoài ra, xã khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp chăm sóc theo quy trình VietGap để nâng cao giá trị của sản phẩm. Đặc biệt, với lợi thế trên địa bàn có Nhà máy chè Mỹ Lâm, xã khuyến khích, vận động nhân dân liên doanh liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hình thành vùng sản xuất chuyên canh.
Qua đó, người dân có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè, sản phẩm chè búp tươi thu hoạch tới đâu được nhà máy thu mua đến đó.
Ông Nguyễn Mạnh Tú, Chi cục phó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách nâng cao chất lượng và giá trị cho cây chè; trong đó, có hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn đối với những hộ đầu tư trồng mới, chăm sóc, chế biến chè đặc sản.
Ngoài ra, tỉnh có chính sách hỗ trợ 25 triệu đồng/ha cho những doanh nghiệp chế biến chè có dự án trồng mới, trồng lại cây chè sử dụng giống mới, năng suất, chất lượng cao (trừ cây chè đặc sản); trong đó khuyến khích trồng chè theo tiêu chuẩnVietGAP, Global GAP.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, sẽ trồng thay thế khoảng 1.000 ha trong tổng số 4.000 ha chè giống trung du già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt. Riêng diện tích chè sản xuất áp dụng quy trình VietGAP phấn đấu đạt khoảng 2.300 ha.
Việc UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt chủ trương đầu tư các Dự án trồng mới, trồng lại chè năng suất cao của Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty cổ phần Chè Tân Trào, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp liên kết với người sản xuất đầu tư trồng thay thế các giống chè cũ năng suất thấp dưới 7 tấn/ha, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chè.