Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, biểu tượng của sự cống hiến

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, đã có hàng triệu người phải ngã xuống. Đóng góp trong sự hy sinh lớn lao ấy, có gần 50.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Các mẹ đã hiến dâng những đứa con yêu quý để bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng khánh thành vào dịp lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam 24/3.


Trong đó, tiêu biểu như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với chín người con ruột, một cháu ngoại, một con rể đã cầm súng chiến đấu và hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Những bà mẹ Việt Nam Anh hùng chính là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam mang phẩm chất cao đẹp xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Để ghi công sự hy sinh và những phẩm chất cao đẹp ấy của các mẹ, Tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng đã được xây dựng tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Họa sĩ Đinh Gia Thắng, tác giả của công trình tâm sự: “Với tình cảm và sự ngưỡng mộ sâu sắc với các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với nguồn cảm hứng từ ý tưởng: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, Mẹ là linh hồn của đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Mẹ vẫn tiếp thêm nguồn sức sống mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững chắc, giàu mạnh”, tác giả đã thể hiện hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18,37m, chiều rộng theo đường thẳng 84,7m, đường cong 117m, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất là 24,3m, chỗ mỏng nhất ở 2 đầu vách đá là 8,0m với chất liệu bằng đá sa thạch. Bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng, ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với đất nước.

Toàn khối tượng đài có hình dáng của một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Ở chính giữa là chân dung bán thân Mẹ Việt Nam Anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Tượng mẹ thể hiện một chiều sâu nội tâm: Mẹ nén lại những đau thương, mất mát lớn lao của người mẹ, khi những người con đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, bằng một nghị lực phi thường. Chân dung Mẹ thể hiện vẻ đẹp của sự nhân hậu, bao dung, độ lượng. Với nét bình thản, ung dung tự tại, Mẹ vẫn như đang động viên và tiếp thêm nguồn sống mạnh mẽ cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Hai bên khối tượng là hai vách đá, được tạo hình giống như những khối đá tự nhiên kết nối liên tục với nhau, nhưng được cách điệu khéo léo bằng những hình khối đa dạng, đa chiều theo một nhịp điệu uyển chuyển với các cung bậc của tiết tấu và giai điệu từ thấp đến cao, như một bản giao hưởng hùng tráng được biểu đạt bằng ngôn ngữ điêu khắc đá. Hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả, chấm phá, để tôn vinh thêm hình tượng bà mẹ và gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng sâu sắc, đẹp đẽ về mẹ, về đất nước, về con người Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhận định: Hình tượng này cũng gợi cho ta hình ảnh hoành tráng về một đất nước hòa bình thống nhất, các con cháu mọi miền Bắc- Trung- Nam sum vầy quanh mẹ hiền Tổ quốc, luôn hướng về mẹ với tình cảm trìu mến, thương yêu nhất.

Trụ biểu trước Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng xây dựng tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.


Tiếp cận công viên tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng là quảng trường tiền môn, có độ thoáng rộng để từ xa có thể nhận biết tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Quảng trường tiền môn còn là nơi đón tiếp du khách đến tham quan, tìm hiểu. Khu vực này có 30 ô thảm cỏ, tượng trưng cho 30 năm kháng chiến trường kỳ giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc của nhân dân ta. Tại quảng trường có 8 trụ biểu, với chiều cao 9m, đường kính 1,65m. Con số 8 ở đây theo quan niệm của người phương Đông là con số biểu tượng cho sự phồn vinh, sự sung túc, sự đoàn tụ tốt đẹp. Các trụ biểu này khắc chạm các huyền thoại về Mẹ Anh hùng, những hình ảnh về các bà mẹ Bắc Bộ, bà mẹ Trung Bộ, bà mẹ Nam Bộ, bà mẹ Tây Nguyên; huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. “Đây là những biểu tượng đẹp đẽ, đầy tự hào về người phụ nữ Việt Nam”, họa sĩ Đinh Gia Thắng nhấn mạnh.

Đặt trong lòng khối tượng chính là Bảo tàng mẹ Việt Nam Anh hùng có tổng diện tích 950m2. Đây là nơi ghi danh những bà mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước và lưu giữ những ảnh tư liệu về những bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hình ảnh về những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh những hình ảnh tư liệu đó là hiện vật gắn liền với đời sống, gắn liền với những câu chuyện, kỳ tích của những bà mẹ và những người phụ nữ Việt Nam Anh hùng. Hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu cho 54 dân tộc Việt Nam được thể hiện qua các tác phẩm hội họa, phù điêu, ảnh nghệ thuật.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng là công trình mang tầm vóc quốc gia, mang tính lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục đặc biệt. Đây cũng chính là công trình của sự tri ân của các thế hệ hôm nay và mai sau đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung

Tặng và truy tặng danh hiệu 'Bà mẹ Việt Nam Anh hùng'
Tặng và truy tặng danh hiệu 'Bà mẹ Việt Nam Anh hùng'

Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" cho 321 mẹ trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN