40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần 2: Những người góp phần làm nên lịch sử-Bài 13

Có một mẹ Việt Nam anh hùng như thế

Mẹ Bùi Thị Định tham gia kháng chiến từ những năm 60. Chồng mẹ cũng tham gia kháng chiến. Rồi người con cuối cùng cũng đi theo con đường cách mạng. Hai lần nghe tin họng súng quân thù cướp đi hai người con trai là hai lần mẹ nén chặt nỗi đau để tiếp tục chiến đấu, bởi Tổ quốc đang cần đến mẹ.

Người mẹ kiên cường

Mẹ VNAH Bùi Thị Định và người bạn đời – người đồng chí, ông Nguyễn Văn Ngâu.


Một buổi chiều cuối tháng 3, chúng tôi ghé thăm mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Định trong căn nhà nhỏ trên đường Bến Vân Đồn (quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh). Đã bước qua tuổi 85, dù mẹ phải dùng xe lăn, nhưng cách mẹ nhìn chúng tôi vẫn ánh lên khí phách của người phụ nữ Việt Nam kiên cường mặc cho thời gian đã phủ lên đôi mắt mẹ một màn sương mờ đục. Mẹ Định đưa cánh tay gầy guộc chỉ cho chúng tôi di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công những người con của mẹ đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mẹ có hai người con trai, người con lớn Nguyễn Văn Trắc (sinh năm 1950) và con trai út tên Nguyễn Văn Bá (sinh năm 1958). Đến tận ngày hôm nay, khi nhắc lại nỗi đau mất con, đôi mắt của mẹ Định chực rơm rớm nước mắt. Còn người “bạn đời” - người đồng đội của mẹ, ông Nguyễn Văn Ngâu, một chiến sĩ binh vận ngày nào, ngồi bên cạnh mẹ, bàn tay lấm tấm đồi mồi của ông âm thầm nắm chặt bàn tay của mẹ vỗ về an ủi…

Mẹ kể: Vào những năm 60 của thế kỷ trước, mẹ cùng nhiều chị em khác ở huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, làm giao liên, dẫn đường cho bộ đội, tham gia tải thương, biểu tình chống dồn dân vào ấp chiến lược… Còn chồng mẹ đã thoát ly theo cách mạng hoạt động với vai trò chiến sĩ binh vận của tỉnh Trà Vinh.

“Mẹ nhớ cái đêm đó vào năm 1963, trong lúc mẹ và đồng đội đang triển khai hoạt động phá hoại đồn địch thì bọn biệt kích ập vào nhà mẹ bắn chết thằng Bá, bắn bị thương thằng Trắc. Lúc đó thằng Bá mới có 5 tuổi thôi. Đêm đó, hai đứa tụi nó cứ nằng nặc xin mẹ cho đi theo nhưng mẹ không cho. Ai ngờ, đó là đêm cuối cùng mẹ gặp thằng Bá”, mẹ Định nghẹn lời.

Ông Ngâu tiếp lời: “Bọn biệt kích mò vào nhà vợ chồng tôi vào lúc 3 giờ sáng. Sau đó, tiếng súng nổ rền trời, chú thằng Bá cũng bị bắn chết. Còn thằng Trắc bị thương vào vai, nhà cửa tan tành. Mẹ nó nghe tin nhưng mãi đến khi trời sáng, bọn địch rút hết mới dám về nhà ôm xác thằng Bá mới 5 tuổi. Còn tôi thì qua ngày hôm sau nữa được anh em giao liên bố trí đưa về để thắp lên ngôi mộ nhỏ của con vài nén hương, vợ chồng tôi ngồi bên mộ con mà khóc. Nhà tôi hồi đó là trụ sở của giao liên, đâu ngờ bọn mật thám phát hiện được”.

Mẹ Định hướng ánh mắt nhìn lên tường nhà, nơi treo những tấm huân chương kháng chiến hạng Nhất, huân chương độc lập hạng Ba, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là những phần thưởng mà Đảng, Nhà nước phong tặng, ghi nhận những công lao, mất mát đau thương của mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ chậm rãi kể tiếp: “Thằng Trắc sau khi bị thương, ba nó đưa nó về đơn vị quân y của huyện Châu Thành điều trị và sau khi nó hồi phục thì ở lại đơn vị đó công tác luôn. Đến chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nó đã hi sinh ngay tại đơn vị khi bị bọn giặc Mỹ phản kích. Chiếc đầm già nhả đạn trúng vào thằng Trắc khi nó vừa tới miệng hầm trú ẩn”.

Ngày anh Trắc hi sinh, vợ chồng mẹ Định đang tham gia chiến dịch tổng tiến công Mậu Thân 1968. “Mỗi người mỗi đơn vị nhưng cùng tham gia bao vây ấp chiến lược tại xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Thành. Mãi đến một tuần sau, chúng tôi mới hay tin con mình hi sinh, lúc đó nó mới tròn 18 tuổi.

Ngày đến đơn vị của nó, chúng tôi chỉ nhận được di vật của con là bộ quần áo. Vậy là, hai đứa con trai là những gì quý giá nhất mà vợ chồng tôi có đều mất hết. Nỗi buồn vô hạn nhưng vì nhiệm vụ của Tổ quốc còn ở trên vai, chúng tôi nén đau thương, tiếp tục chiến đấu. Bà nhà tôi lúc đó cũng nhỏ con nhưng mạnh mẽ lắm. Tôi thương và quý trọng bà cũng ở chỗ đó”, ông Ngâu nghẹn ngào nói. 

Niềm an ủi

Mẹ Bùi Thị Định được nhận danh hiệu Bà mẹ VNAH.


Chiều nào cũng vậy, cứ sau 17 giờ, ông Ngâu lại đẩy chiếc xe lăn đưa mẹ Định dạo mát dọc con đường Bến Vân Đồn khi ánh nắng chiều vàng bờ kênh Bến Nghé. “Ngày 30/4/1975, chồng mẹ được lệnh tiến về Sài Gòn nhưng mãi đến ngày 1/5, ông mới đến nơi. Lúc đó, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Trong lòng mẹ vui mừng khôn xiết vì sau bao năm chiến tranh, hòa bình cũng đã được lập lại.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1977, mẹ mới được về thành phố để đoàn tụ với chồng và cùng sống đến ngày hôm nay. Sau khi tiếng súng đã im, hai vợ chồng đã ngoài 40 tuổi thì nỗi nhớ con lại càng da diết hơn. Vậy mà ông trời thương mẹ, cũng cho mẹ và ông đứa con gái”, mẹ Định nói.

Kể từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, vợ chồng mẹ Định tiếp tục tham gia công tác, góp phần xây dựng đất nước. Cả cuộc đời mẹ gắn liền với công tác phụ nữ và tham gia cùng với ông trong câu lạc bộ truyền thống kháng chiến của quận 4.

“Những năm trước mẹ còn đi đứng được, mẹ cùng ông tham gia nhiều chương trình nói chuyện cho thế hệ trẻ ở quận 4 về những truyền thống hào hùng của cha, anh đi trước. Cả cuộc đời mẹ cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều đau thương nhưng ngày hôm nay mẹ nhìn thấy thế hệ trẻ đang xây dựng thành phố ngày càng hiện đại và vợ chồng mẹ được Đảng, Nhà nước, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm chăm lo rất chu đáo thì còn hạnh phúc gì bằng nữa. Đó là niềm an ủi lớn lớn nhất của mẹ”, mẹ tự hào nói và hướng ánh mắt nhìn sang phía bên kia dòng kênh - nơi trung tâm thành phố khang trang, tươi đẹp.


Bài và ảnh: Anh Đức


Những ký ức khó quên của mẹ Tùng
Những ký ức khó quên của mẹ Tùng

Đối với mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thanh Tùng, ngày chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành ký ức không bao giờ quên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN